Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, xây dựng đô thị thông minh là xu hướng được nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn chứng: Ở Việt Nam có 5 thành phố trực thuộc Trung ương cùng hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai chỉ chiếm gần 6% diện tích nhưng đóng góp gần 50% GDP của cả nước. Điều này cho thấy phát triển đô thị thông minh có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao những kết quả bước đầu của Thừa Thiên - Huế trong việc triển khai xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, bên cạnh việc hoàn thiện quy hoạch, tỉnh cần chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ.
Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính và đổi mới việc cung cấp dịch vụ hành chính công cũng như đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan chính quyền. Từ đó tỉnh cần gắn xây dựng đô thị thông minh với mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.
Qua 5 năm triển khai mô hình hóa các công cụ mà cụ thể là xem cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ để áp dụng, Thừa Thiên - Huế đã hình thành một mô hình áp dụng mang tính toàn diện từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh; của lãnh đạo các cơ quan hành chính đến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức.
Tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xây dựng hoàn thành và đáp ứng yêu cầu cơ bản với việc hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu tập trung đủ năng lực phục vụ cho công tác vận hành và lưu trữ cho các ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. 100% các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và được kết nối thành một hệ thống toàn tỉnh thông qua mạng diện rộng (WAN) của tỉnh.
Về cơ bản hệ thống hạ tầng của tỉnh được kết nối thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Bên cạnh đó, với sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, hệ thống cáp quang và Internet đã được phủ toàn bộ đến 100% cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo sự thống nhất về thông tin, tránh chồng chéo, trùng lắp, dư thừa dữ liệu, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai một số cơ sở dữ liệu dùng chung áp dụng cho toàn bộ các ứng dụng trong cơ quan nhà nước và đảm bảo tính duy nhất về cơ sở dữ liệu. Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương nhằm triển khai liên thông đảm bảo sự thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu địa phương... Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về công nghệ thông tin; xây dựng thành công Chính quyền điện tử.
Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất và kiến nghị một số vấn đề như: chọn Thừa Thiên- Huế là địa phương để triển khai thí điểm các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh trong giai đoạn 2016 - 2020; giới thiệu các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư phát triển công nghiệp, công nghệ thông tin tại Thừa Thiên - Huế nhằm phát huy lợi thế của địa phương có nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ thông tin…