Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo Ban Chỉ đạo cần hết sức lưu ý những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, trong đó không loại trừ cả những thách thức phức tạp, khó lường khi Việt Nam tham gia các hiệp ước về tự do hóa thương mại, để bàn bạc trao đổi, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện chủ động hội nhập kinh tế.
Nhấn mạnh vai trò và thế mạnh lớn bậc nhất về kinh tế nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước tin tưởng, nếu được đầu tư, kích thích phát triển, tiềm năng của vùng đất này sẽ còn đạt được kết quả cao hơn nhiều so với thực tế hiện có.
Chủ tịch nước cho rằng, để trả lời câu hỏi dịch chuyển theo hướng nào, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương vùng Tây Nam bộ cần bàn bạc, để tìm ra lời giải và hướng dẫn bà con, nhất là trong thực trạng giá nông sản còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp chưa cao, ảnh hưởng thương hiệu với thị trường ngoại còn hạn chế; đồng thời mong muốn các địa phương nhân rộng những mô hình đã hiệu quả nhưng chưa ứng dụng đại trà, đưa thu nhập người dân thoát bẫy trung bình.
Về những kiến nghị liên quan đến kết cấu hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ nông nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng, cùng với tìm nguồn lực tài chính từ nước ngoài, cần chú ý đến vấn đề kỹ thuật xây dựng, để đảm bảo bền vững cho các công trình, hạn chế tình trạng mới đưa vào sử dụng đã bị thiên tai làm cho hư hại.
Các tỉnh cần có cơ chế để thu hút FDI vào khu vực này nhiều hơn, chú trọng quy hoạch các trục giao thông nối Tây Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh để thông thương hàng hóa nông sản, đưa Đồng bằng sông Cửu Long giàu về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản toàn vùng đã có chuyển biến tích cực, ước đạt 3,1 triệu tấn lúa, 3,3 triệu tấn thủy sản; 236/260 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; xuất khẩu đạt 10,9 tỷ USD, thu ngân sách ước đạt 71 nghìn tỉ đồng.
Vùng Tây Nam bộ cũng quy hoạch hệ thống giáo dục với 43 trường đại học, cao đẳng; 30 trường trung cấp, 6.937 trường mầm non, phổ thông; y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn trung bình cả nước; công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp đúng mục đích, yêu cầu đề ra, quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Tuy nhiên, vấn đề giải quyết đầu ra cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn khó khăn do thiếu sự ổn định. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới còn yếu kém, nhất là các xã nghèo, đông đồng bào dân tộc. Hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế; cơ chế chính sách đặc thù về liên kết hợp tác kinh tế, nông nghiệp vùng chưa được ban hành; đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn.