Trước bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kiểm soát, khống chế đại dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Quyết sách này được coi là mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch. Điều quan trọng hơn nữa trong nghị quyết, Chính phủ đã chủ trương chống dịch phải thực chất, bám sát thực tiễn và đặt "hiệu quả trên hết". Nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương rất đúng và sáng suốt!
Trong Nghị quyết 86/NQ-CP, Chính phủ đã ấn định các dấu mốc thời gian rõ ràng để phấn đấu kiểm soát đại dịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các địa phương được yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, phải quán triệt nghiêm "chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10", bảo đảm chặt chẽ, thực chất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong". Phải xác định và bảo vệ thật chắc các "vùng xanh"; chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ". "Vùng đỏ" phải được cô lập ở phạm vi hẹp nhất.
Nghị quyết cũng hoạch định lộ trình đến trước ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh phấn đấu kiểm soát được dịch COVID-19. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch trước ngày 1/9. Các tỉnh, thành khác phấn đấu kiểm soát được dịch trước ngày 25/8.
Có thể thấy, việc Chính phủ đặt vấn đề phải đảm bảo "hiệu quả trên hết" trong chống dịch là có căn nguyên.
Vẫn biết, luôn có độ chênh, độ trễ từ chủ trương, chính sách tới thực tiễn triển khai. Nhưng hai năm qua, trong bối cảnh cả nước đồng lòng "chống dịch như chống giặc" thì thực tế vừa qua, ở đâu đó có những cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở còn có thái độ lơ là, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh hoặc tình trạng giãn cách xã hội hình thức, "chặt ngoài, lỏng trong". Nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" không được thực hiện nghiêm túc tại một số khu vực, địa bàn dẫn đến tình trạng người dân tự phát rời khỏi khu vực đang có dịch làm lây lan sang các nơi khác.
Theo Tổng cục Thống kê, dưới tác động của dịch bệnh, trong 7 tháng đầu năm 2021, tiếp tục có gần 8 vạn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng TP Hồ Chí Minh- nơi dịch đang lây lan nhanh, ăn sâu vào cộng đồng thì con số đó là hơn 2,3 vạn doanh nghiệp, chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tỷ lệ thất nghiệp cả nước hiện nay cũng lên tới 2,52%, trong đó khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Một số ngành đã suy giảm trong năm 2020, nay tiếp tục suy giảm sâu hơn như lĩnh vực lữ hành giảm sâu 54,8%, doanh nghiệp dịch vụ, lưu trú giảm tiếp 2,7%, khu vực vận tải giảm 0,7%. Đặc biệt, dịch bệnh đã tấn công vào thành trì rất quan trọng của cả nước là khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp sử dụng lực lượng lớn lao động, nơi có đóng góp nhiều cho kinh tế, thu ngân sách, nơi chiếm tỷ lệ lớn lực lượng lao động (xấp xỉ 4 triệu người) tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội.
Một số khu công nghiệp, doanh nghiệp tạm thời phải dừng hoạt động, như Bắc Giang phải đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.000 người lao động, Bắc Ninh tạm đóng cửa các khu công nghiệp với 42.000 lao động. TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương đã phải phong tỏa, giãn cách toàn bộ hoặc từng khu vực, phải đóng cửa hầu hết các dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, việc làm của hàng chục triệu lao động.
Chính vì thế, yêu cầu lần này của Chính phủ nêu trong Nghị quyết số 86/NQ-CP là phải bám sát thực tiễn chống dịch với tinh thần "hiệu quả trên hết"; "chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10", bảo đảm chặt chẽ, thực chất là rất kịp thời và chính xác. Vấn đề quan trọng lúc này là việc đảm bảo thực hiện nghị quyết của các bộ, ban, ngành và địa phương có hiệu quả.
Có thể hiểu "hiệu quả trên hết" ở đây là trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành, nhất là các địa phương phải tính toán cụ thể các trường hợp xảy ra, các điều kiện đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch, các phương án chuẩn bị sẵn sàng, từ đó có các kịch bản và chủ động thực hiện kịp thời, phù hợp, không máy móc, không ỉ vào Trung ương. Rồi những người đứng đầu từ Chính phủ đến cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể phải quyết tâm vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó là sự chung sức, đồng lòng chống dịch từ ý thức đến hành động của người dân để cùng vượt qua cuộc chiến gian nan này.
Tuyệt đối không được để diễn ra tình trạng chủ trương chống dịch rất đúng và rất trúng nhưng việc thực hiện thì đâu đó lại chủ quan, buông lỏng, mất cảnh giác như vừa qua.
Nói ngắn gọn, chỉ có cách toàn lực thực hiện chống dịch đúng như Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ là "hiệu quả trên hết" mới có cơ hội sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới". Và nếu "chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10" mà sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện không hơn thế nhiều lần thì tác hại của đại dịch còn nặng nề hơn nữa!