Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, đã thực hiện tốt 7 nội dung như tập trung giải quyết những vướng mắc các dự án lớn để đưa vào hoạt động, điển hình như Dự án hóa lọc dầu Nghi Sơn.
Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) rất cao 15,16% (bình quân cả nước đạt 6,8%), thu ngân sách đạt gần 22.000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công thuộc top cao nhất cả nước (đến thời điểm hiện tại đã giải ngân gần 99% vốn đầu tư công). Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện tốt công tác cải cách thủ thục hành chính, tỷ lệ trả hồ sơ đúng hạn cho người dân, doanh nghiệp đạt tỷ lệ 100%; thực hiện tốt công tác tinh giảm biên chế.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tài nguyên và môi trường được thực hiện tốt, tỉnh đã chỉ đạo thu hồi, đóng cửa mỏ cũng như hàng loạt các dự án khai thác tài nguyên môi trường kém hiệu quả; công tác cải cách môi trường đầu tư và thu hút đầu tư cũng được thực hiện tốt; công tác xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hóa đạt được những kết quả rất đáng kích lệ, đến nay đã có một huyện và 283 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ với 7 nội dung hạn chế của Thanh Hóa, đồng thời yêu cầu tỉnh phải khắc phục như: quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng, thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức, khắc phục tình trạng bổ nhiệm thần tốc gây bức xúc trong dư luận.
Thanh Hóa phải chú trọng hơn nữa đến công tác cải cách hành chính, tránh việc đùn đẩy né tránh; chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thành liên thông thủ tục hành chính công, thực hiện tốt Quyết định 1380 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh thu hút đầu tư; tiếp tục quan tâm đến quản lý đất đai, trật tự đô thị, xây dựng. Trong công tác quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản, Thanh Hóa cần quản lý, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó tỉnh cũng cần đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Từ ngày 1/1/2017 đến tháng 15/11/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình công tác, văn bản chỉ đạo điều hành với 304 nhiệm vụ; trong đó, có 182 nhiệm vụ không thời hạn, 122 nhiệm vụ có thời hạn xử lý. Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành 197 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ đang xử lý theo quy định (có 45 nhiệm vụ không xác định thời hạn, 51 nhiệm vụ yêu cầu hoàn thành trong tháng 12/2018 và 11 nhiệm vụ hoàn thành trong giai đoạn 2019-2021).
Đối với các giải pháp đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thanh Hóa đã tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư. Về công tác cải cách hành chính, Thanh Hóa đã cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Thanh Hóa cũng đã sáp nhập hơn 3.000 thôn bản, giảm trên 9.000 cán bộ bán chuyên trách.
Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành mô hình mẫu về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại và phần mềm điện tử dùng cho Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, xã. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định số lượng cấp phó các sở, cơ quan ngang sở trực thuộc UBND cấp tỉnh, với số lượng tối đa không quá 3 người nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, bởi Thanh Hóa là địa phương có diện tích lớn thứ 5 và có dân số đứng thứ 3 trên cả nước.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thăm Trung tâm hành chính công tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã đánh giá cao trung tâm thực hiện tốt công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hồ sơ đúng thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng phiền hà sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp.