Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều sáng tạo, nỗ lực, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nổi bật là công tác điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước với hơn 300.000 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm hơn 280.000 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản gắn với triển khai thực hiện tốt các giải pháp về phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát huy tốt các mô hình nuôi tôm theo hình thức ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm sinh thái; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế đúng hướng, làm tốt công tác quy hoạch và sử dụng tài nguyên đất đai, đất rừng; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế -xã hội; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương...
Về hiệu quả của mô hình Trung tâm Hành chính công của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, bước đầu việc học tập, triển khai mô hình này tại tỉnh đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tuy nhiên, tỉnh cần nâng cao chất lượng thẩm định, chỉ đạo xử lý, giải quyết tại chỗ các thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn và hiệu quả.
Liên quan đến việc đầu tư dự án năng lượng tái tạo tại Cà Mau, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng gợi mở, tỉnh Cà Mau có vị trí ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn của quốc gia; là tỉnh có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km. Đó là điều kiện tốt để Cà Mau phát triển lĩnh vực kinh tế biển, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo... Do đó, tỉnh cần chú trọng đầu tư phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời kết hợp đầu tư phát triển điện khí để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Trước nhu cầu bức xúc của địa phương về nguồn vốn đầu tư công trình chống sạt lở, xói lở bờ biển, bảo vệ đê biển..., Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, để giúp tỉnh Cà Mau đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình chống sạt lở, xói lở biển mang tính cấp thiết. Cùng với đó, tỉnh cần chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quan tâm làm tốt công tác bố trí dân cư, chủ động sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong thời điểm mưa bão.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao đề án quản lý xe công của tỉnh Cà Mau, đây là giải pháp vừa nâng hiệu quả sử dụng xe công, vừa tiết kiệm nguồn ngân sách đầu tư mua sắm xe công của tỉnh; thống nhất cao đề xuất của UBND tỉnh về việc đầu tư xây dựng tuyến tránh nội ô thành phố Cà Mau nhằm góp phần phát triển đô thị thành phố, giải quyết tốt vấn đề ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Đối với 17 đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Cà Mau, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm nghiên cứu, xem xét để sớm giúp tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ tháng 1/2017 đến 15/7/2018, tỉnh Cà Mau đã thực hiện hoàn thành 455 nhiệm vụ (có 36 nhiệm vụ quá hạn) trong số 653 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh Cà Mau đã nỗ lực, quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế của tỉnh không ngừng tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tình hình chính trị của tỉnh ổn định, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống, vật chất, tinh thần của người dân không ngừng phát triển.