Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, 23 tỉnh trồng mắc ca và cộng đồng các doanh nghiệp, hộ gia đình tiêu biểu về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mắc ca.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu cần một chiến lược phát triển mới cho cây mắc ca. Đó là những vấn đề về quy hoạch, giống, thị trường, vốn đầu tư.
Thủ tướng cho rằng, rất hiếm có loại cây nào mà tăng trưởng đến 24%/năm, giúp người dân vùng sâu vùng xa xoá đói, giảm nghèo, góp phần làm giàu và bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia tốt như mắc ca. Đấy chính là tiền đề để chúng ta có trách nhiệm làm thế nào để những cây trồng có giá trị được quan tâm, đầu tư phát triển.
Muốn vậy, điều kiện cần đặt ra là phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất mà doanh nghiệp nòng cốt. Hiệp hội chủ lực và người dân là quan trọng. Từ đó có cái nhìn tổng thể để có tầm nhìn trong quy hoạch, dự báo, đầu tư, chế biến, xuất khẩu...
Nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình nông thôn
Theo số liệu tại hội nghị, sau 5 năm triển khai quy hoạch cây mắc ca, đến nay, cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước).
Đến nay, sản phẩm mắc ca của nước ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp,...
Là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích, cây mắc ca vừa có thể trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tạo nguồn sinh thủy, góp phần nâng tỷ lệ che phủ của rừng, bảo vệ môi trưởng sinh thái, đặc biệt là ở các vùng vùng biên giới, vùng sâu góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào, vừa có thể trồng tập trung trong các vườn rừng, vườn nhà hoặc trồng xen canh trong nương rẫy với các cây ăn quả, cây công nghiệp khác, đem lại hiệu quả kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam có tiềm năng quỹ đất lớn, đặc biệt là diện tích đã qua canh tác phát nương làm rẫy nhiều năm bị thái hóa, không còn phù hợp để trồng lúa nương, trồng cây truyền thống hoặc nếu canh tác sẽ đem lại hiệu quả không cao có thể đưa vào trồng cây mắc ca.
Cây mắc ca đã tích cực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và trở thành cây trồng có giá trị cao của ngành nông nghiệp.
Song, việc phát triển cây mắc ca cũng gặp không ít những khó khăn, trở ngại và thách thức. Công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém. Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn. Việc tiếp cận, nắm bắt nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế cũng là một thách thức trong phát triển sản xuất.
Theo dự báo, thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu trên thế giới đề tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm sau đó.
Làm sao để mắc ca phát triển xứng tầm?
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kết quả bước đầu phát triển cây mắc ca trong 3 năm qua sản lượng mắc ca đã tăng 25 lần sản lượng, đạt 7.000 tấn hạt mắc ca, xuất khẩu trên 80%. Đây là một thắng lợi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
So sánh với ngành trồng cà phê – lĩnh vực xuất khẩu chiếm vị trí thứ 2 thế giới của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, mắc ca “đi sau về trước”, phát triển bước đầu ở Việt Nam đã thành công. Mắc ca cần 10 năm hay 20 năm để phát triển thành loại cây trồng xuất khẩu đứng đầu thế giới của Việt Nam? Bởi đây là lợi thế so sánh quan trọng của Việt Nam. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp, các nhà khoa học và doanh nghiệp, người nông dân cần trả lời cho được những câu hỏi để mắc ca phát triển xứng tầm với điều kiện của Việt Nam. Mắc ca là loại cây sinh thái, xóa đói giảm nghèo; là loại cây dinh dưỡng, góp phần tham gia gìn giữ quốc phòng, an ninh. Cây mắc ca là cây chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt chứ không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế. Cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào và là loại cây đem lại thu nhập cao.
Nhắc lại yêu cầu của Chính phủ đối với phát triển cây mắc ca phải “đi sau, về trước”, Thủ tướng cho rằng, nếu ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng chiều sâu, áp ụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiệu quả đối với cây mắc ca còn lớn hơn rất nhiều.
Từ chỉ số đem lại thu nhập từ mắc ca gấp 3 lần so với cây cà phê, Thủ tướng đề nghị cần có quy hoạch tiểu vùng, cùng với chế biến sâu và đi đôi với quản lý vốn để phát triển lâu dài.
Thủ tướng cho biết, mắc ca là sản phẩm tốt, giàu dinh dưỡng, chứa 70 - 80 % dầu, hàm lượng protein cao với nhiều loại axit amin, là nguồn nguyên liệu tốt cho chế biến sâu các loại hình sản phẩm khác như: Sữa hạt bổ dưỡng cho mọi lứa tuổi, nguyên liệu mỹ phẩm cao cấp, so cô la…
Cho rằng mặc dù thời gian gần đây, mắc ca phát triển nhanh nhưng chỉ trên diện tích và sản lượng nhỏ so với hạt có dầu là rất nhỏ. Do đó, Thủ tướng đặt yêu cầu cần tăng cao hơn nữa thu nhập từ 1ha mắc ca và đặc biệt là cần phát triển nhanh hơn nữa diện tích trồng mắc ca trong thời gian tới căn cứ vào các yếu tố độ cao, điều kiện thời tiết, khí hậu….để xây dựng quy hoạch cụ thể trồng mắc ca ở từng vùng.
Từ yêu cầu đó, Thủ tướng khẳng định có hai vùng trên cả nước có thể ổn định phát triển cây mắc ca là Tây Bắc và Tây Nguyên. Còn các vùng khác chưa cho tối ưu ra hoa, đậu quả loại cây trồng này do yêu cầu khắt khe về điều kiện địa lý, thổ nhưỡng…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị, cần chú ý ngay từ khâu chọn giống phù hợp, nhất là về phương pháp ghép. Đối với vùng Tây Nguyên, trồng xen kẽ do diện tích lớn đã dành cho trồng cà phê. Vùng Tây Bắc trồng tập trung. Các địa phương khác có thể trồng thí điểm cây mắc ca để xem xét, đánh giá.
Yêu cầu nữa, theo Thủ tướng là phải đồng bộ công nghiệp chế biến theo hướng “càng sâu càng tốt”. Do là loại ngành hàng mới nên các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn cho phát triển cây mắc ca với chính sách cụ thể, không để người dân “đơn thương độc mã” trong phát triển loại hình này.
Cùng với đó là quản lý đồng bộ về phát triển cây mắc ca khi công bố quy hoạch. Các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần tham gia vào công tác định hướng và đặc biệt là vận động sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp và người nông dân từ sản xuất quả đến các khâu chế biến, xuất khẩu.
Tại hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội cây mắc ca xây dựng Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Nghị định về phát triển cây mắc ca, tránh tình trạng phân mảnh trong sản xuất như hiện nay.