500 tỷ đồng giúp Quảng Trị phát triển cây mắc ca

Ngày 10/6, tại huyện miền núi Hướng Hóa, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt PostBank và UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo đầu vườn và tư vấn trồng, chăm sóc cây mắc ca.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Ngân hàng Liên Việt PostBank đã ký kết gói tín dụng 500 tỷ đồng giúp Quảng Trị phát triển cây mắc ca.

Công nhân Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh (Quảng Trị) chăm sóc cây mắc ca. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Tham dự Hội thảo, hơn 200 nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa tham quan thực tế vườn cây mắc ca của Công ty trách nhiệm hữu hạn My Anh Khe Sanh và được các giáo sư đầu ngành như: Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, Giáo sư Hoàng Hòe - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các chuyên gia kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hướng dẫn cách thiết kế vườn cây, kỹ thuật trồng, chăm sóc quản lý vườn mắc ca, thu hoạch và chế biến mắc ca để đạt hiệu quả cao.

Các giáo sư và chuyên gia đánh giá Khe Sanh là vùng đất có lợi thế đặc biệt về đất đai, khí hậu và nguồn lực lao động để phát triển cây mắc ca trồng thuần và trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác, hoặc che bóng cho cây cà phê, cây chè để thu lợi nhuận kép.

Hội thảo là căn cứ quan trọng khẳng định sự phù hợp của cây mắc ca để tỉnh Quảng Trị chỉ đạo phát triển loại cây có giá trị kinh tế cao này, đồng thời củng cố niềm tin để người nông dân mạnh dạn liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn My Anh trồng loại cây này.

Cũng tại Hội thảo, nông dân trên địa bàn được các chuyên gia, giáo sư và đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn My Anh giải đáp các thắc mắc xung quanh các vấn đề kỹ thuật trồng, chăm sóc, cũng như việc đầu tư cây giống, chính sách bao tiêu sản phẩm hạt mắc ca để phát triển mở rộng trồng cây mắc ca. Từ đó hình thành tính ổn định và bền vững, đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Với mong muốn đồng hành cùng nông dân đầu tư phát triển cây mắc ca, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Quảng Trị đã giới thiệu và tư vấn sản phẩm tín dụng cho vay trồng mắc ca với mức vay tối đa 80% tổng chi phí trồng hoặc chăm sóc, trong thời gian từ 6 đến 15 năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho rằng, cây mắc ca đã có thương hiệu trên thị trường thế giới, tuy nhiên đây là loại cây khó trồng. Tại Việt Nam cây mắc ca có mặt từ năm 1994.


Thời gian qua, Ngân hàng Liên Việt PostBank phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức các hội thảo về cây mắc ca ở khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có một nhà đầu tư từ Australia về tìm hiểu và đầu tư tại Khe Sanh, nơi có khí hậu đặc biệt…

Đến nay dự án đã trồng được gần 500 ha và bước đầu cho kết quả tốt. Đây là điều đáng mừng đối với tỉnh Quảng Trị và Công ty trách nhiệm hữu hạn My Anh, góp phần mang lại đời sống, việc làm, nâng cao cuộc sống của người dân.

Tỉnh Quảng Trị đã và đang chỉ đạo ngành nông nghiệp và huyện Hướng Hóa quy hoạch những diện tích có điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển cây mắc ca, đồng thời làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn My Anh hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, chọn và nhân những giống tốt có chất lượng cao nhằm phát triển cây mắc ca một cách tốt nhất.

Trần Tĩnh (TTXVN)
Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất trồng cây mắc ca
Cần đẩy nhanh tiến độ giao đất trồng cây mắc ca

Như TTXVN đã đưa tin phản ánh những vướng mắc trong việc giao đất ở dự án trồng cây Mắc ca với 100% vốn nước ngoài của Công ty TNHH My Anh - Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) do ông Huỳnh Văn Trí, Việt kiều Australia làm đại diện cho công ty.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN