Tổng hợp COVID-19 ngày 19/11:

Thiêng liêng Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch; cả nước thêm 9.617 ca F0

Đúng 20 giờ ngày 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành  ủy Thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19. Cũng trong ngày, cả nước thêm 9.617 ca F0.

Chú thích ảnh
 Tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), hoạt động thắp nến tại Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tưởng nhớ trên 23.000 người qua đời do COVID-19

Lễ tưởng niệm được tổ chức để tưởng nhớ những người đã không may qua đời vì COVID-19, chia sẻ nỗi đau, mất mát với gia đình và người thân của họ. Đây cũng là nguyện vọng, mong muốn của nhân dân, là tình cảm thiêng liêng trong mỗi chúng ta và là sự quan tâm, sẻ chia, động viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nỗi đau của đồng bào.

Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai. Chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình, từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người; chia sẻ, động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; sẵn sàng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.

Thông qua đó, khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí của toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi kinh tế - xã hội và mang lại cuộc sống bình an, hạnh phúc cho mỗi người dân. Đúng 20 giờ 30 phút diễn ra nghi thức tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.

Các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ…) trên địa bàn cả nước cùng đánh chuông; các tàu, thuyền, sàn lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng sẽ đồng loạt kéo còi tưởng niệm; thực hiện tắt đèn và thắp nến tại khu vực công cộng, đường đi bộ, công viên, khu dân cư, khách sạn, văn phòng, nhà dân… để tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19.

Cả nước ghi nhận 9.617 ca mắc COVID-19

Ngày 19/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.625 ca mắc mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 9.617 ca ghi nhận trong nước (giảm 592 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố; có 4.995 ca trong cộng đồng.  Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cần Thơ (117 ca), Cà Mau (112 ca), Bạc Liêu (111 ca). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.218 ca/ngày.

Chú thích ảnh
Học sinh Hà Nam đã hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.075.094 ca mắc, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.909 ca mắc).  

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.070.011 ca, trong đó có 880.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.  

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (454.061 ca), Bình Dương (246.668 ca), Đồng Nai (81.067 ca), Long An (37.119 ca), Tiền Giang (23.481 ca).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.971 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 883.564 ca. Ngày 19/11 ghi nhận 102 ca tử vong, trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (55 ca), Đồng Nai, Tiền Giang (mỗi địa phương 12 ca), Bình Dương (5 ca), Bạc Liêu (4 ca), Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ (mỗi địa phương 2 ca), Bình Định, Lâm Đồng, Bình Phước, Long An (mỗi địa phương 1 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 93 ca/ngày.

TP Hồ Chí Minh kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung

Ngày 19/11, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung. Cụ thể, Sở Y tế cho biết, từ ngày 1/10, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, theo đó các hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội được khôi phục. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên với mũi 1 đạt hơn 99% và mũi 2 đạt 83%. Riêng đối với trẻ từ 12-17 tuổi, mũi 1 đạt 95% và dự kiến tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 11 năm 2021.

Theo báo cáo từ các quận, huyện, số ca mắc mới ở hầu hết 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có xu hướng tăng nhẹ, riêng huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân và Quận 12 có số ca mắc mới tăng cao. Hiện, thành phố đang cách ly, điều trị 66.722 F0, trong đó 48.903 F0 đang được cách ly tại nhà và 5.185 F0 tại khu cách ly tập trung (chiếm khoảng 81%), đều là F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (theo số liệu ngày 17/11).

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn mới, thành phố đã và sẽ tiếp tục triển khai cách ly tại nhà đối với các F0 đủ điều kiện hoặc chuyển vào khu cách ly tập trung quận, huyện (nếu F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà).

Đối với các trường hợp có triệu chứng cần can thiệp y tế thì chuyển vào bệnh viện điều trị COVID-19 (tầng 2, tầng 3).  Bên cạnh đó, từ khi sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, đã có nhiều trường hợp F0 hoàn toàn không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và mất hẳn các triệu chứng chỉ sau 1 tuần cách ly, có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Tuy nhiên, các trường hợp trên vẫn phải tiếp tục cách ly đến hết thời gian theo quy định (14 ngày).

Việc kéo dài thời gian cách ly cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày nên khó tránh quá tải tại khu cách ly tập trung và các bệnh viện. Trước tình hình đó, để gia tăng hiệu quả trong công tác chăm sóc, điều trị F0, Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine cho thiếu niên từ 15 đến dưới 18 tuổi tại Cung Thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Đà Nẵng yêu cầu dạy trực tuyến hiệu quả ở vùng dịch COVID-19 cấp độ 3

Ngày 19/11, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp, kiểm soát tốt người về từ địa phương có dịch; phát huy tối đa vai trò của Tổ COVID cộng đồng. Từ đánh giá đúng tình hình, các địa phương phải đề xuất kịp thời việc điều chỉnh cấp độ dịch phù hợp.  

Liên quan đến công tác triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh lớp 8 và 9, Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng các quận huyện và thầy, cô giáo hỗ trợ cho các em học sinh. Mỗi điểm tiêm giao cho một người quản lý để kịp thời xử lý các tình huống, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ, gây ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng. Công an thành phố cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cố gắng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp mã định danh cho các em học sinh để ngành y tế triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19.  

Bà Ngô Thị Kim Yến cũng lưu ý, việc dạy và học trực tiếp chỉ thực hiện tại các địa phương cấp độ 2. Sở Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo, đảm bảo triển khai dạy trực tuyến có hiệu quả cho các học sinh ở vùng cấp độ 3.  

Về việc thí điểm đón khách quốc tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp triển khai hiệu quả. Trong đó, ngành du lịch cần chia sẻ thông tin để du khách, cơ sở lưu trú và đơn vị lữ hành nắm, thực hiện đúng theo các quy định phòng, chống dịch của thành phố.  

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết, để chuẩn bị đón học sinh lớp 12 quay lại trường từ ngày 22/11, Sở đã triển khai thực hiện xây dựng trường học an toàn theo hướng dẫn của Sở Y tế; thành lập các đoàn để kiểm tra các trường học về các phương án phòng chống dịch.  Khi các trường đón học sinh quay lại, Sở sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát.

Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình để đón học sinh lớp 10 và 11 trở lại trường. Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 18/11 đến 13 giờ ngày 19/11, thành phố ghi nhận 26 ca mắc nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 7 ca ở khu cách ly tập trung, 10 ca trong cộng đồng. Tính từ ngày 16/10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 422 ca mắc COVID-19.  

Ngày 19/11, thành phố xét nghiệm cho 10.332 lượt người, có 23 bệnh nhân COVID-19 xuất viện. Hiện tại, Đà Nẵng đang điều trị cho 294 bệnh nhân. Thành phố đã tiêm 1.450.389 mũi, trong đó có 904.482 người được tiêm mũi 1 và 545.907 người được tiêm mũi 2. Toàn thành phố đang thiết lập 85 khu vực phong tỏa; duy trì 19 cơ sở cách ly tập trung.

V.T/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 18/11: Số ca nhiễm vượt trên 10 nghìn; một số tỉnh thành tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường, spa
Tổng hợp COVID-19 ngày 18/11: Số ca nhiễm vượt trên 10 nghìn; một số tỉnh thành tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường, spa

Trong ngày 18/11, thông tin nổi bật được dư luận quan tâm là tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương: Việt Nam ghi nhận 10.223 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; Sớm nối lại đường bay thương mại quốc tế và sử dụng hộ chiếu vaccine; TP Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động karaoke, vũ trường, spa để phòng dịch; Bây giờ mới cho F1 cách ly tại nhà, Hà Nội đã 'quá thận trọng'….

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN