Tổng hợp COVID-19 ngày 13/11: F0 nhập viện cao hơn xuất viện; vaccine không phải 'lá bùa hộ mệnh'

Ngày13/11, Việt Nam ghi nhận 8.467 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu số ca mắc trong ngày. Trước tình hình trên, TP Hồ Chí Minh yêu cầu người dân không lơ là phòng dịch dù đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19. Bởi hiện nay, rất nhiều người có tâm lý chủ quan vì coi vaccine như “lá bùa hộ mệnh”, điều này rất nguy hiểm.

Có trên 3.800 ca F0 nặng đang được điều trị

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN

Ngày 13/11, Việt Nam có 8.467 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 8.451 ca ghi nhận trong nước tại 57 tỉnh, thành phố (có 3.940 ca trong cộng đồng); 88 ca tử vong.

TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu số ca nhiễm với 1.240 ca, Đồng Nai 743 ca, Bình Dương 631 ca, Tây Ninh 593 ca, An Giang 547 ca, Đồng Tháp 459 ca, Tiền Giang 356 ca, Sóc Trăng 296 ca, Vĩnh Long 292 ca, Cà Mau 271 ca, Bình Thuận 265 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 224 ca, Khánh Hòa 209 ca…

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Tiền Giang (giảm 278 ca), Kiên Giang (giảm 222 ca), TP Hồ Chí Minh (giảm 148 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Đắk Lắk (tăng 126 ca), Bình Phước (tăng 99 ca), Đồng Tháp (tăng 76 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.172 ca/ngày.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (446.443 ca), Bình Dương (242.874 ca), Đồng Nai (77.399 ca), Long An (36.441 ca), Tiền Giang (20.506 ca).

Trong ngày 13/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.843 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 858.054 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.824 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.018 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 156.696 xét nghiệm cho 379.710 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.886.826 mẫu cho 64.055.676 lượt người.

Trong ngày 12/11, cả nước có 1.467.716 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 97.831.758 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 64.073.710 liều, tiêm mũi 2 là 33.758.048 liều.

TP Hồ Chí Minh: Số ca F0 nhập viện cao hơn xuất viện

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy số F0 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê. "Mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng chúng ta vẫn không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhận định.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có tỉ lệ tiêm vaccine khá cao nhưng không vì thế mà người dân lơ là phòng dịch. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện tỉ lệ F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ là trên 90%; riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca F0 nhập viện hiện đang cao hơn số ca xuất viện. “Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động cụ thể để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên lưu ý.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, qua phân tích có thể thấy, tình hình F0 hiện tại của TP Hồ Chí Minh đang tương tự thời kì đầu thành phố thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021), khá giống tình trạng của Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vaccine tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.

Thông tin về nguyên nhân khiến số lượng F0 tăng nhanh, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, nguyên nhân thấy rõ nhất là TP Hồ Chí Minh không còn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát… Vì vậy, các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá; riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng, đang có 2 vấn đề buộc chính quyền TP Hồ Chí Minh phải suy nghĩ. "Thứ nhất, số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào và thứ 2, tỉ lệ ca tử vong có thể chấp nhận là bao nhiêu?. So với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, TP Hồ Chí Minh đã có tỉ lệ phủ vaccine cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP Hồ Chí Minh không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. Nếu từng người dân đều chủ quan phòng, chống dịch thì sẽ dẫn đến hậu quả về sau”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.

Đặc biệt, các hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ các F0 khi cần thiết, trong đó cần đảm bảo thuốc và thiết bị y tế cần thiết khi người dân cần.

Bến Tre: Gỡ bỏ các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra, vào tỉnh

Từ ngày 12/11, tỉnh Bến Tre gỡ bỏ các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa ngõ ra vào tỉnh; đồng thời, xem xét thiết lập lại các chốt kiểm soát tại cơ sở, đặc biệt là tại các vùng dịch đang diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại cầu Rạch Miễu (giáp tỉnh Tiền Giang) đã được thành lập và duy trì từ tháng 6/2021, nay đã được tháo dỡ (ảnh chụp ngày 11/11/2021).

Đại tá Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre cho hay, từ tháng 6/2021, lực lượng Công an tỉnh Bến Tre đã thành lập và duy trì 3 chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa ngõ tỉnh gồm: Chốt kiểm soát cầu Rạch Miễu (giáp tỉnh Tiền Giang), chốt kiểm soát cầu Cổ Chiên (giáp tỉnh Trà Vinh) và chốt kiểm soát phà Đình Khao (giáp tỉnh Vĩnh Long). Từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đến nay, lực lượng chức năng tại các chốt chỉ thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, kiểm đếm, thống kê lượng người và phương tiện ra, vào tỉnh, trung bình khoảng 10.000 lượt người/ngày.

Đại tá Nguyễn Hùng Minh cho biết thêm, nhận thấy việc kiểm soát tại cửa ngõ không còn mang lại hiệu quả cao, Công an tỉnh đã đề xuất dừng các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại cửa ngõ tỉnh để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới; giao lại cho từng địa phương cấp huyện, xã để hướng dẫn, nhắc nhở người dân khai báo y tế; kiểm tra, kiểm soát, làm tốt công tác phòng dịch ngay cả trên đường bộ, đường thủy.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam thống nhất với đề xuất của Công an tỉnh, dừng các chốt cửa ngõ ra vào tỉnh, thực hiện tốt phương châm "lỏng ngoài, chặt trong". Đồng thời, giao Công an tỉnh hướng dẫn các địa phương thiết lập các chốt kiểm soát tại các huyện, xã phù hợp, khoa học đúng quy định, hướng dẫn người dân phòng chống dịch hiệu quả, không cản trở việc đi lại của bà con. Thời gian thực hiện từ ngày 12/11/2021.

Vaccine không phải “lá bùa hộ mệnh”

Có thể thấy, thời gian qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã tăng trở lại, trong đó các tỉnh, thành phía Nam và miền Đông, miền Tây tăng cao. Đáng chú ý, số người tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 hay F0 khỏi bệnh vẫn bị mắc COVID-19, thậm chí diễn biến nặng và tử vong. Theo các chuyên gia y tế, không có vaccine nào có thể phòng bệnh tuyệt đối.

Chú thích ảnh
Người dân tuân thủ khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đến nơi công cộng. Ảnh: TTXVN

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngành y tế TP Hồ Chí Minh thống kê, có khoảng 80% trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn nhiễm SARS-CoV-2; ngay cả vừa qua ổ dịch ở huyện Quốc Oai (TP Hà Nội), tỷ lệ mắc COVID-19 đã tiêm vaccine cũng chiếm gần 50%. Do đó, không phải vì đã tiêm vaccine mà có thể buông xuôi, lơ là. Người dân cần phải thực hiện tốt 5K để không bị nhiễm, không bị cách ly.

Về tâm lý chủ quan khi đã tiêm đủ vaccine, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng: Tâm lý coi vaccine như “lá bùa hộ mệnh”, sau khi tiêm tự cho rằng đã “tuyệt đối an toàn” là rất nguy hiểm. Ở các nước, nhiều người tiêm vaccine rồi vẫn tử vong; đó là chuyện bình thường. Bởi nếu người nhiễm virus mà đang có bệnh nền rất nặng thì dù có tiêm vaccine vẫn sẽ xảy ra tình huống xấu.

Tất nhiên, tỷ lệ chuyển nặng, tử vong với người đã tiêm vaccine thấp bằng 1/10 người chưa tiêm. Nhưng điều đó cho thấy tất cả mọi người, không loại trừ nhóm nào, nhất là những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, phụ nữ có thai… dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người.

“Bên cạnh tiêm vaccine đầy đủ, việc thực hiện tốt 5K và tuân thủ khẩu trang mới là gốc rễ trong phòng tránh lây nhiễm COVID-19 trong bối cảnh hiện nay”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Thống nhất triển khai ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã thống nhất ứng dụng PC-Covid do Ban Chi đạo quốc gia chỉ đạo xây dựng, là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ứng dụng VN-eID do Bộ Công an quản lý, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân, là ứng dụng tồn tại lâu dài để phục vụ xã hội. VN-eID cũng được tích hợp một số chức năng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. VN-eID và PC-Covid hoạt động liên thông, chia sẻ dữ liệu thông suốt.

Yêu cầu thống nhất sử dụng QRCode, cụ thể, người dân sẽ sử dụng mã QRCode trên thẻ căn cước công dân, khi sử dụng trên ứng dụng di động thì thống nhất cách thức hiển thị mã QRCode theo Quyết định số 1405/QĐ-BTTTT ngày 11/9/2021.

Hải Yên/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 12/11: Các địa phương tăng cường truy vết phòng dịch; ca nhiễm mới vẫn tăng cao
Tổng hợp COVID-19 ngày 12/11: Các địa phương tăng cường truy vết phòng dịch; ca nhiễm mới vẫn tăng cao

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 12/11 thu hút sự quan tâm của dư luận là các địa phương tăng cường truy vết phòng chống dịch và các ca nhiễm mới vẫn tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN