Chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, so với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, TP Hồ Chí Minh đã có tỉ lệ phủ vaccine cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP Hồ Chí Minh không vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra cộng đồng. Nếu từng người dân đều chủ quan, sẽ dẫn đến hậu quả về sau.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp  trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và góp ý dự thảo của UBND TP Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong ngày 13/11. Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, dựa trên đánh giá tình hình dịch bệnh trong thời gian gần đây, có thể thấy, số F0 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê. "Mặc dù đã phát hiện các ca dương tính qua tầm soát tại bệnh viện, xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm nhưng chúng ta vẫn không thể nắm hết được mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng", Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nhận định.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện tỉ lệ F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ là trên 90%; riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca F0 nhập viện hiện đang cao hơn số ca xuất viện. “Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động cụ thể để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên lưu ý. 

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, qua phân tích có thể thấy, tình hình F0 hiện tại của TP Hồ Chí Minh đang tương tự thời kì đầu thành phố thực hiện Chỉ thị 10 (cuối tháng 6/2021), khá giống tình trạng của Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến dịch bệnh của thế giới hiện nay. Tức là, nhiều nước dù có nền tảng y tế, tốc độ tiêm vaccine tốt nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát. Do đó, các địa phương cần lưu ý và nhìn lại để có tính toán hợp lý.

Thông tin về nguyên nhân khiến số lượng F0 tăng nhanh, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho biết, nguyên nhân thấy rõ nhất là TP Hồ Chí Minh không còn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát và kéo giảm như mong muốn. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ người lao động dịch chuyển tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát… Vì vậy, các đơn vị liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá; riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh có tỉ lệ tiêm vaccine khá cao nhưng không vì thế mà người dân lơ là phòng dịch. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng, đang có 2 vấn đề buộc chính quyền TP Hồ Chí Minh phải suy nghĩ. "Thứ nhất, số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào và thứ 2, tỉ lệ ca tử vong có thể chấp nhận là bao nhiêu?. So với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, TP Hồ Chí Minh đã có tỉ lệ phủ vaccine cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP Hồ Chí Minh không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. Nếu từng người dân đều chủ quan phòng, chống dịch thì sẽ dẫn đến hậu quả về sau”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên nói.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh vẫn duy trì mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi phát triển kinh tế, xã hội; phục hồi đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân được đặt lên trên hết. Thực tế, quan điểm quốc gia là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả nhưng làm như thế nào, thích ứng linh hoạt ra sao cho an toàn và hiệu quả cũng là thử thách đối với TP Hồ Chí Minh hiện nay. 

Nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn khi thích ứng với dịch, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là địa phương đã bám sát các chỉ đạo của cấp trên. Ngành y tế cũng được đánh giá cao về tính chủ động, quyết tâm hành động và hành động quyết liệt, tạo ra những sản phẩm, hành động cụ thể. Riêng 2 địa phương được giao nhiệm vụ thí điểm, lãnh đạo Thành ủy cho rằng, Quận 7 và thành phố Thủ Đức đã mang tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, quyết tâm và có những sáng kiến, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhưng để giữ gìn thành quả chống dịch vừa qua, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện cần cụ thể hóa tất cả các quy định, Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên; trong đó nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị. Nhờ vậy, mỗi người dân đều biết phải làm gì, làm tới đâu và làm như thế nào để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Theo đó, tại các cơ sở kinh doanh, các doanh nghiệp phải áp dụng bộ tiêu chí an toàn, kiểm soát cụ thể, quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, giám sát như thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý ra sao… Ngoài ra, với trụ cột trong chống dịch là ngành y tế, TP Hồ Chí Minh cần củng cố hệ thống y tế vững chắc ngay từ cơ sở. Theo đó, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện các quy định, kịp thời báo cáo với cấp trên. Trong đó, cần đề cập chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng; phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công, tư, thiện nguyện; quy định rõ về vaccine, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng, công tác thu dung điều trị…

Đặc biệt, các hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ các F0 khi cần thiết, trong đó cần đảm bảo thuốc và thiết bị y tế cần thiết khi người dân cần. 

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp được mở cửa trở lại nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định phòng dịch trong tình hình mới. 

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh còn đang đối mặt với tình trạng ngành y tế phải bàn giao lại trường học cho các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thu dung khó khăn. Vì vậy, mỗi quận, huyện, địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến. Bởi, số F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không có điều kiện cách ly tại nhà còn rất nhiều.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, để hạn chế và kiểm soát tốt dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xem đây như là một trong những biện pháp quan trọng, hàng đầu. Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cũng tin tưởng các đơn vị, sở ngành, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong quá trình thực hiện sẽ có sáng kiến, sáng tạo, luôn nghĩ tới trách nhiệm để hoàn thành; phân công cụ thể, điều hành bài bản và thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ trong công tác phòng dịch. 

Chú thích ảnh
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh tăng tốc sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần
TP Hồ Chí Minh tăng tốc sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các doanh nghiệp, hệ thống phân phối cần tập trung tăng tốc sản xuất, kích hoạt các phương án cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nhâm Dần 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN