Ngày 17/11, Việt Nam ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 67 ca tử vong
Tính từ 16 giờ ngày 16/11 đến 16 giờ ngày 17/11, Việt Nam ghi nhận 9.849 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong ngày có 67 ca tử vong, có 3.873 bệnh nhân khỏi bệnh.
Trong 9.849 ca nhiễm mới, có 10 ca nhập cảnh và 9.839 ca ghi nhận trong nước (tăng 198 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 4.956 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh với số mắc như sau: TP Hồ Chí Minh (1.337), Đồng Nai (664), Bình Dương (601), An Giang (527), Tiền Giang (526), Bình Thuận (489), Đồng Tháp (489), Bà Rịa - Vũng Tàu (428), Kiên Giang (396), Tây Ninh (376), Sóc Trăng (364), Bạc Liêu (323), Vĩnh Long (290), Cà Mau (233), Hà Nội (218), Bình Phước (217), Đắk Lắk (188), Bến Tre (180), Long An (153), Trà Vinh (152), Cần Thơ (145), Khánh Hòa (144), Hà Giang (134), Bắc Ninh (107), Thừa Thiên Huế (96), Hậu Giang (94), Bình Định (87), Hải Dương (81), Bắc Giang (79), Quảng Ninh (79), Nghệ An (77), Quảng Nam (70), Thái Bình (60), Nam Định (51), Đà Nẵng (37), Quảng Ngãi (36), Ninh Thuận (34), Đắk Nông (32), Quảng Bình (29), Thanh Hóa (29), Tuyên Quang (25), Ninh Bình (19), Hà Nam (18), Phú Thọ (17), Cao Bằng (16), Quảng Trị (15), Hà Tĩnh (14), Phú Yên (13), Hưng Yên (12), Vĩnh Phúc (11), Hải Phòng (7), Kon Tum (7), Hòa Bình (6), Thái Nguyên (3), Điện Biên (3), Lào Cai (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Tây Ninh (giảm 307 ca), Tiền Giang (giảm 145 ca), Cà Mau (giảm 107 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: TP Hồ Chí Minh (tăng 154 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 128 ca), Đắk Lắk (tăng 100 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 8.831 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.055.246 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.709 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.050.185 ca, trong đó có 872.053 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Yên Bái, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (451.113 ca), Bình Dương (245.321 ca), Đồng Nai (79.926 ca), Long An (36.925 ca), Tiền Giang (21.951 ca).
Trong ngày 17/11, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 3.873 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 874.870 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.338 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 16/11 đến 17 giờ 30 ngày 17/11, cả nước ghi nhận 67 ca tử vong tại: TP Hồ Chí Minh (26), Bình Dương (12), An Giang (7), Tây Ninh (4), Long An (4), Cần Thơ (3), Sóc Trăng (3), Bình Thuận (2), Bạc Liêu (2), Hà Nội (1), Vĩnh Long (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Đồng Tháp (1).
Hà Nội ghi nhận thêm 258 ca F0, trong đó có 82 ca cộng đồng
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 16/11 đến 18 giờ ngày 17/11, Hà Nội ghi nhận 258 ca nhiễm mới SARS-CoV-2; trong đó có 82 ca cộng đồng, 109 ca trong khu cách ly, 67 ca trong khu phong tỏa.
Các ca nhiễm mới phân bố tại 25/30 quận, huyện gồm: Ba Đình (44), Nam Từ Liêm (39), Hoàng Mai (30), Bắc Từ Liêm (17), Quốc Oai (17), Hà Đông (17), Gia Lâm (14), mê Linh (11), Hoài Đức (10), Đống Đa (9), Hai Bà Trưng (9), Long Biên (8), Cầu Giấy (7), Thanh Xuân (5), Thường Tín (4), Ba Vì (3), Đông Anh (3), Chương Mỹ (2), Tây Hồ (2), Thanh Oai (2), Mỹ Đức (1), Phúc Thọ (1), Sơn Tây (1), Sóc Sơn (1), Thanh Trì (1).
Trong số các ca nhiễm mới có 82 ca cộng đồng thuộc các chùm: Chùm F1 của sàng lọc ho sốt (39), chùm sàng lọc ho sốt (31), chùm liên quan ổ dịch Yên Nội, Đồng Quang (4), ổ dịch Phú Đô, Nam Từ Liêm (3), ổ dịch La Thành, Giảng Võ (2), liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (2), liên quan các tỉnh có dịch (1).
Cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 256/KH-UBND thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... trong phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân, doanh nghiệp cung ứng vật tư, trang thiết bị y tế phòng dịch; Cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người đang công tác trong lĩnh vực y tế để nâng cao đạo đức, nhận thức, chung sức, đồng lòng, tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Thành lập số điện thoại đường dây nóng để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phản ánh về các tiêu cực trong việc kinh doanh, mua bán, sản xuất, quản lý và sử dụng trang thiết bị, vật tư, phương tiện, thuốc, vaccine, sinh phẩm xét nghiệm, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR... trong phòng, chống dịch COVID-19.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện dịch vụ xét nghiệm COVID-19 phải công khai giá dịch vụ xét nghiệm; trường hợp các cơ sở y tế vi phạm quy định về giá dịch vụ xét nghiệm phải được phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch giá các trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế, giá các dịch vụ xét nghiệm, test, kit xét nghiệm... kịp thời, cập nhật liên tục tránh tình trạng nâng giá của các đơn vị, cá nhân, bảo đảm đúng quy định.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu xử lý nghiêm đối với các tiêu cực trong tiêm phòng vaccine như: Cơ chế xin - cho, quà tặng, bồi dưỡng... để được tiêm nhanh hoặc lựa chọn vaccine theo nhu cầu gây bức xúc cho nhân dân.
Bình Dương có 7.368 ca F0 đang điều trị tại nhà
Tối 17/11, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 10.187 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị; trong đó có 2.819 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế và 7.368 bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Hiện số bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch thở oxy ghi nhận 234 ca.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương thông tin, trong 24 giờ qua, trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận 601 ca mắc COVID-19 đã qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ.
Theo đánh giá của ngành y tế: Số ca mắc toàn tỉnh giảm 1,0% so với ngày 16/11. Các địa phương có số mắc tăng gồm thành phố Thuận An, huyện Dầu Tiếng, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên. Đáng quan tâm, số ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng chiếm đến 14,5%; số còn lại trong khu phong tỏa và phát hiện tại các cơ sở y tế. Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 245.321 ca mắc COVID-19; trong đó 2.575 ca tử vong.
Tổ chức lễ tưởng niệm những người đã mất do COVID-19 vào tối 19/11
Tối 19/11, Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ được tổ chức tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và điểm cầu TP Hà Nội.
Ông Võ Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm chia sẻ và động viên những mất mát, đau thương trước những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh và tử vong trong đại dịch COVID-19, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tưởng niệm tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.
“Việc tổ chức buổi lễ tưởng niệm này nhằm tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hi sinh vì dịch bệnh COVID-19, đồng thời thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng. Từ đó, sẽ tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, ông Võ Hoài Nam nói.
Theo đó, tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh sẽ có nghi lễ chính, được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Quận 1) vào lúc 20 giờ ngày 19/11 với 1.000 đại biểu tham dự, trong đó có đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía Nam cùng với đại diện thân nhân các gia đình có người tử vong, gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19. Ngoài ra, lễ tưởng niệm còn diễn ra tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, dự kiến mỗi điểm tưởng niệm có 100 đại biểu tham dự.
Đối với các cơ sở tôn giáo, TP Hồ Chí Minh vận động các nhà chùa và nhà thờ trên địa bàn đồng loạt đánh chuông tưởng niệm vào lúc 20 giờ ngày 19/11. Cùng thời điểm này, nghi thức thả đèn hoa đăng sẽ được thực hiện tại tuyến kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè và kênh Tàu Hũ- Bến Nghé.
TP Hồ Chí Minh đề xuất cấp thẻ tài khoản hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì COVID-19
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình UBND TP Hồ Chí Minh về việc đề xuất chính sách chăm lo, hỗ trợ của thành phố cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. Đáng chú ý, Sở đề xuất cấp thẻ tài khoản, hỗ trợ hàng tháng cho 3.564 trẻ em mồ côi.
Theo Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 383 người cao tuổi neo đơn và 2.151 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch COVID-19. TP Hồ Chí Minh cũng có 1.413 trẻ em mồ côi trước đó (không vì COVID-19). Để đảm bảo công bằng, Sở LĐTB-XH TP Hồ Chí Minh đề xuất hỗ trợ tất cả 3.564 trẻ em mồ côi nói chung và 383 người cao tuổi neo đơn vì COVID-19.
Trong đó, đối với người cao tuổi neo đơn do dịch COVID-19, ngoài việc đúng tiêu chí hưởng của chính sách trợ cấp xã hội thì được đề xuất hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách của TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, Sở đề xuất Thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được hưởng chính sách 100%, không đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khi đi khám chữa bệnh nội, ngoại trú, viện phí; cấp thẻ miễn phí khi đi lại bằng phương tiện cộng cộng, các khu vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ, các câu lạc bộ, thể dục thể thao và các dịch vụ tốn phí khác.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh sẽ cấp số tài khoản ngân hàng/thẻ ATM cho trẻ em và người già neo đơn... Đối với người cao tuổi neo đơn có con, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng tử vong do COVID-19 với mức từ 480.000 – 1 triệu đồng/người/tháng, tùy hoàn cảnh.
Đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, ngoài việc đúng tiêu chí hưởng của chính sách trợ cấp xã hội, được đề xuất hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách của TP Hồ Chí Minh. Các chính sách hỗ trợ bao gồm: các em được học miễn học phí đến hết chương trình phổ thông trung học; cấp thẻ BHYT miễn phí được hưởng chính sách 100%, không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khi đi khám chữa bệnh, nằm viện, viện phí...
Đặc biệt, để đảm bảo công bằng, bình đẳng cho tất cả trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19, Sở cũng đã đề xuất tất cả 1.413 trẻ em mồ côi (không vì COVID-19) hiện đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng được hỗ trợ thêm 480.000đồng/em/tháng đến năm 18 tuổi, bằng mức chuẩn của trợ cấp xã hội tại thành phố.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên đã khống chế được dịch COVID-19
Chiều 17/11, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành văn bản chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều chỉnh phạm vi, thu hẹp khoanh vùng, cách ly phòng, chống dịch COVID-19, kết thúc phong tỏa tạm thời hầu hết các khoa phòng phục vụ công tác điều trị.
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên chỉ còn 2 khoa tiếp tục cách ly tạm thời để truy vết, xác định F1, F2 gồm: khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và khoa Cơ xương khớp - Tiết niệu - Lọc máu. Từ chiều 15 đến chiều 17/11, Bệnh viện đã thực hiện kết thúc khoanh vùng, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với các khoa phòng còn lại do không phát hiện thêm ca F0 trong nhiều ngày.
Ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cho biết, đến ngày 17/11, Bệnh viện đã chuyển gần 1.000 người gồm bệnh nhân và người nhà đủ điều kiện xuất viện, có nguy cơ thấp, ra khỏi khu phong tỏa ở các khoa, phòng. Đây là các đối tượng đã thực hiện sàng lọc COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhiều lần bằng phương pháp RT-PCR tại các khoa, phòng của bệnh viện. Các trường hợp này được về địa phương cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.