Đúng 9 giờ, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Với số lượng lên đến 20 dự án, dự thảo Luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất; đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ...
Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng khác.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2022, nước ta đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội…
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó có việc tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%...
Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh rằng, để phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, các Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp chính sách kịp thời…
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp.
Báo cáo nêu rõ, cử tri và nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể. Theo đó, Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, người lao động mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước cần được tăng cường, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm....
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%.
Những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn đại biểu Quốc hội gồm: Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội…
Trong phiên làm việc chiều 22/5, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho công tác nhân sự.
Với 468/469 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội quyết nghị ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV thành phố Cần Thơ giữ chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XV.
Ông Lê Quang Mạnh sinh năm 1974, quê Mỹ Đức (Hà Nội), là Tiến sĩ Kinh tế, trình độ Cao cấp lý luận chính trị.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang với 454/467 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 91,9% tổng số đại biểu Quốc hội).
Ông Đặng Quốc Khánh sinh năm 1976; quê quán thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; trình độ chuyên môn Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình, Kỹ sư xây dựng; là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII (dự khuyết), khóa XIII; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang; đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV.
Trước đó, trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Phú Cường; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Hồng Hà.