Thanh tra toàn diện các dự án rừng ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng

Thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây cho biết, liên quan đến việc gần đây báo chí liên tục phanh phui các vụ việc phá rừng, chôn lấp thân gỗ thông tại huyện Bảo Lâm, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án liên quan đến rừng tại địa phương này.

Tại cuộc họp đánh giá tình hình tháng 8/2020 vào ngày 4/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khẳng định: Tỉnh sẽ thanh tra toàn diện các dự án liên quan đến rừng ở huyện Bảo Lâm; chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh điều tra, xử lý các vụ việc liên quan. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu phải xem xét lại quy trình cấp phép và quản lý các dự án liên quan đến rừng, vì thực hiện những thủ tục đầu tiên là Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhưng sau đó là trách nhiệm của các ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, của địa phương có dự án…

Liên quan đến những vụ phá rừng, chôn gỗ thông, sang nhượng đất rừng trái phép ở huyện Bảo Lâm, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Lực lượng kiểm lâm đang rà soát toàn diện các phần rừng bị phá và kiểm điểm toàn bộ lực lượng kiểm lâm huyện Bảo Lâm. Ông Châu cũng xác nhận, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chuyển tất cả cán bộ lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đi nhận nhiệm vụ ở vị trí khác và thay thế hoàn toàn mới ban lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm. 

Trước đó, ngày 28/8/2020, TTXVN đã đưa tin về vụ việc hàng trăm khúc gỗ thông bị chôn nhằm phi tang tại Tiểu khu 443 (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm), còn đất rừng bị chiếm làm đất sản xuất. Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện 159 lóng gỗ thông đã bị chôn lấp dưới hố sâu tại Tiểu khu 443 thuộc Dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn An Phú Nông.

Trong khoảng 10 năm nay huyện Bảo Lâm là “điểm nóng” của Lâm Đồng về vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng. Để phá rừng lấy gỗ quý, chiếm đất sản xuất, một số chủ dự án đã sang nhượng, chia cắt, xé một dự án thành nhiều dự án nhỏ với nhiều chủ đầu tư nhưng không làm thủ tục pháp lý. Những vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng cũng không đơn giản là do người dân vi phạm nhỏ lẻ, mà là do các chủ dự án được giao rừng từ vài chục đến hàng trăm ha. 

Điển hình, ngày 19/2/2020, Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ khai thác rừng trái pháp luật với diện tích 75,8 ha, trữ lượng gỗ trên 3.509 m3 để trồng cao su tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bắc (Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc). Vụ án này được Bộ Công an chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra từ đầu năm 2017. Các bị can bị khởi tố về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý rừng” quy định tại khoản 3, Điều 233 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) gồm: ông Lê Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng (đã nghỉ hưu); ông Lê Quang Nghiệp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng (hiện nay là Phó phòng Phòng tổ chức thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng); ông Mai Hữu Chanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc.

Liên quan đến vụ án này, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo, đôn đốc Công an tỉnh sớm kết thúc điều tra và truy tố các bị can.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Bắt giữ các đối tượng phá rừng giáp ranh ở Phú Yên
Bắt giữ các đối tượng phá rừng giáp ranh ở Phú Yên

Tối 28/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp 1 đối tượng trong vụ phá rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở địa phận tiếp giáp hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh mà trước đó TTXVN đã phản ánh. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN