Sớm điều tra, xử lý các vụ phá rừng tại xã Phú Mỡ ở Phú Yên

Thời gian gần đây tình trạng phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Các đối tượng phá rừng được xác định là người dân tộc thiểu số tại địa phương, trong đó có cả cán bộ, đảng viên.

Chú thích ảnh
Nhóm phóng viên được công an xã dẫn đường đến nơi rừng bị chặt phá cách trung tâm xã Phú Mỡ 4km. 

Từ nguồn tin báo của người dân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tìm về xã Phú Mỡ để tiếp cận hiện trường các vụ phá rừng diễn ra ở địa phương này. Chỉ cách Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ hơn 4 km, tại tiểu khu 74 nhiều diện tích rừng đã bị đốn hạ, được đốt dọn thực bì phân chia đất lâm nghiệp. Càng đi sâu vào trong rừng thuộc tiểu khu này, diện tích rừng bị chặt hạ càng nhiều hơn. Tại nhiều vị trí, cây rừng mới bị đốn hạ còn nằm ngổn ngang chưa được vận chuyển đi. 

Theo quan sát của phóng viên ngày 21/8, cây bị đốn hạ có đường kính từ 18 - 20 cm, nằm trong khu vực rừng tái sinh - khu vực trước đó “lâm tặc” đã chặt hạ hết các loại cây gỗ lớn có giá trị. Không riêng tiểu khu 74, nhiều diện tích rừng tại các tiểu khu 59, 67; 72, 73,74, 75,83 và V.2.2 trên địa bàn xã Phú Mỡ đã bị "cạo trọc" để lấn chiếm đất sản xuất, với diện tích lên đến hàng chục ha.  

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ La O Hóa xác nhận, rừng tại các tiểu khu do địa phương quản lý bị người dân xâm nhập chặt hạ để lấn chiếm đất sản xuất từ đầu tháng 7/2020 đến nay. Sau khi Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân có chủ trương giao một số diện tích đất lâm nghiệp cho người dân thiếu đất sản xuất, Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ đã họp, bình xét dự kiến cấp đất sản xuất cho 86 hộ với tổng diện tích 308 hecta tại các tiểu khu 74, 75, V2.2.

Biết được thông tin địa phương sẽ giao đất lâm nghiệp cho người dân, nhiều người đã vào rừng khai thác rừng chặt hạ cây rừng lấn chiếm đất trái phép. Nhận thấy tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ đã báo cáo Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân cùng các cơ quan chức năng xem xét xử lý tình trạng này.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân cho biết: Ngay sau khi phát hiện có tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại xã Phú Mỡ, Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân đã yêu cầu địa phương phải đình chỉ tất cả hoạt động tác động đến rừng; thành lập các tổ tuyên truyền vận động người dân không phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp. Ủy ban nhân dân huyện giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, đến ngày 15/9/2020, hoàn thành việc thống kê diện tích rừng bị phá; khoanh vùng; phân loại theo quy hoạch các khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất để đưa ra giải pháp quản lý, bảo vệ. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Minh Cảnh, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho biết điều tra ban đầu xác định, trong số các đối tượng phá rừng trái phép có 13 người là cán bộ, đảng viên xã Phú Mỡ. Hạt Kiểm lâm huyện đã có báo cáo gửi Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện để lãnh đạo huyện chỉ đạo các biện pháp xử lý. 

Chú thích ảnh
Một vạt rừng bị chặt phá ở tiểu khu 67 xã Phú Mỡ. 

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên Lê Văn Bé cho biết thêm, qua điều tra ban đầu có 50 ha rừng bị phá trong đó có 10 ha rừng phòng hộ. Diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá, chủ yếu là rừng tái sinh, cây rừng có đường kính không lớn, một số diện tích rừng là đất trống (DT2-đất trống có cây gỗ tái sinh). Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng xác định lại toàn bộ diện tích, khối lượng rừng bị phá để có biện pháp xử lý theo quy định. 

Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Xuân Triệu (TTXVN)
‘Lâm tặc’ ngang nhiên phá rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi
‘Lâm tặc’ ngang nhiên phá rừng phòng hộ ở Quảng Ngãi

Khoảng gần 2 tháng qua, một số đối tượng đã ngang nhiên vào rừng phòng hộ ở thôn Gò Lăng, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để khai thác gỗ trái phép. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành chức năng không hề hay biết cho đến khi báo chí vào cuộc phản ánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN