Kỷ luật ba cán bộ liên quan việc phá rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai

Liên quan đến việc phá rừng tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), ngày 10/7, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết đã thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai (nghỉ hưu từ 1/3/2020). Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cũng thi hành kỷ luật 2 cán bộ thuộc thẩm quyền.

Chú thích ảnh
Một số cây rừng bị đốn hạ thuộc trách nhiệm của ông Trần Văn Mùi. Ảnh: baodongnai.com.vn

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt chính quyền đối với ông Trần Văn Mùi, đồng thời ra quyết định xử phạt ông Mùi số tiền 150 triệu đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả thiệt hại bằng cách trồng lại khu rừng bị đốn hạ với diện tích hơn 4.200 m2.

UBND tỉnh Đồng Nai xác định, thời điểm xảy ra vụ việc, với vai trò là Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, ông Trần Văn Mùi chỉ đạo cán bộ cấp dưới đốn hạ cây rừng làm đề tài Nghiên cứu bảo tồn gen cây thuốc đặc hữu, quý hiếm vùng Đông Nam Bộ.

Đối với cán bộ tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, ông Thái Ngô Đức, Phó Hạt trưởng Kiểm lâm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai bị kỷ luật cảnh cáo; ông Hồ Thái Nguyên, nguyên Trưởng trạm Kiểm lâm cơ động Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Cả hai trường hợp này cũng bị thi hành kỷ luật về Đảng với hình thức tương tự.

Theo kết quả thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, không có hồ sơ, tài liệu nào thể hiện có sự bàn bạc, thống nhất trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai để tác động vào thửa 151a, khu đồi 90, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Việc đốn hạ cây rừng liên quan đến trách nhiệm chính của ông Trần Văn Mùi.

Trước đó, cuối năm 2019, nhiều cơ quan báo chí phản ánh tình trạng cây rừng tự nhiên bị chặt tại khu vực đồi 90, ấp 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (khu vực do Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai quản lý). Thời điểm đó, theo lý giải của Khu Bảo tồn, việc chặt phá rừng nhằm dọn cây bụi, dây leo, cây tái sinh để thực hiện đề tài trồng thí nghiệm cây dược liệu.

Sau đó, ngành chức năng Đồng Nai vào cuộc, xác định có 91 cây rừng bị đốn hạ, trong đó, 90 cây có gốc đường kính từ 10 cm - 40 cm, diện tích rừng bị phá khoảng 4.200 m2.

Công Phong (TTXVN)
Vụ phá rừng tại huyện KBang, Gia Lai: Thêm 2 đối tượng ra đầu thú
Vụ phá rừng tại huyện KBang, Gia Lai: Thêm 2 đối tượng ra đầu thú

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện KBang, Sang và Chiến khai nhận đã cùng một số thanh niên trong làng đưa công cụ, phương tiện cưa hạ 10 cây gỗ Bằng lăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN