Tàu thăm dò dầu của Trung Quốc đã ra khỏi vùng biển Việt Nam

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/6, tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo về hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời các câu hỏi của phóng viên về các vấn đề báo chí quan tâm.

Tại họp báo, phóng viên đề cập, Nhóm bảy nền công nghiệp phát triển (G7) vừa ra Tuyên bố có đề cập đến việc phản đối Trung Quốc cải tạo đất ở Biển Đông, cũng như phản đối mọi hành động hăm dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực cũng như đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên quy mô lớn. Sau đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, tuyên bố của Hội nghị G7 về vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông là "không phù hợp với thực tế"; cho rằng, các hoạt động của Trung Quốc là "hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền" của nước này... Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Chúng ta đều thấy rõ tình hình hiện nay tại Biển Đông đã gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế và rõ ràng là không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như ở Biển Đông. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ mọi đóng góp mang tính xây dựng, tích cực và có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hòa bình, ổn định tại Biển Đông”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Cho biết quan điểm của Việt Nam về việc sáng 6/6 có thông tin cho rằng, tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc là Tân Hải 517 đi vào vùng lãnh hải của Việt Nam; trên đường đi về phía vịnh Thái Lan, tàu này đã đi qua nhiều lô dầu khí của Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết: “Các lực lượng chức năng của Việt Nam đã luôn theo dõi sát các hoạt động của tàu Tân Hải 517. Sau khi các lực lượng chức năng của Việt Nam tiến hành các biện pháp cần thiết thì tàu Tân Hải 517 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam vào ngày 8/6”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt Nam ở Hàn Quốc và phương án giúp người Việt Nam ở Hàn Quốc khi hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) tăng thêm, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, tình hình dịch bệnh MERS- CoV trong thời gian qua đã gây sự lo ngại và quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế cũng như của người dân Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực phối hợp để tiến hành các biện pháp đối phó với dịch bệnh ngay từ cửa khẩu, dự trù các kế hoạch, tình huống để có hướng dẫn cụ thể với các địa phương trong việc phòng tránh dịch bệnh này. Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo các công dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Đối với các công dân đang sinh sống tại các nơi xảy ra dịch bệnh, trong đó có công dân Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như các công dân đang có kế hoạch đi đến các quốc gia xảy ra dịch bệnh, Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã đưa ra khuyến cáo công dân hạn chế đến các khu vực có dịch bệnh cũng như các khu vực mà được thông báo là có người nghi nhiễm bệnh và có biện pháp chủ động để phòng tránh dịch bệnh này. Cho đến nay, chưa có thông tin được khẳng định về công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài ở Việt Nam bị nhiễm bệnh này. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc đang theo dõi sát sao để có biện pháp cần thiết trong trường hợp khẩn cấp.


Hoa-Điệp (TTXVN)
Lây nhiễm MERS ở Hàn Quốc chỉ xuất hiện tại bệnh viện
Lây nhiễm MERS ở Hàn Quốc chỉ xuất hiện tại bệnh viện

WHO kết luận sự lây nhiễm của bệnh MERS tại Hàn Quốc chỉ giới hạn trong các bệnh viện, đồng thời khuyến nghị các trường học tại đây mở cửa trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN