Hoạt động này của Quốc hội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, cùng các chuyên gia kinh tế với niềm tin Nghị quyết mới sẽ tạo ra một xung lực mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho Thành phố mang tên Bác.
Đánh giá cao ý nghĩa Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với góc nhìn của một chuyên gia về kinh tế phát triển, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cần có tính đột phá, vượt trội, phải bao quát hơn, rộng hơn sự “đặc thù”, để Thành phố Hồ Chí Minh phát huy được vai trò mang tính lịch sử, lan tỏa vai trò của Thành phố với vùng.
Nghị quyết mới cần “bao trùm”, đó là giao quyền nhiều hơn, kiểm soát ít hơn, tạo cơ sở để lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành có trách nhiệm nhiều hơn, có động lực phụng sự công nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu việc trao quyền nhưng còn ràng buộc bằng các luật, nghị định, thông qua các Bộ, ngành, Thủ tướng…, như trong dự thảo là chưa đảm bảo tính khả thi khi đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Là một người sinh ra và lớn lên tại Thành phố, có nhiều năm nghiên cứu về Thành phố, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, hiện nay, nguồn lực phát triển dựa vào tài chính hay đất đai là không còn phù hợp vì đất là nguồn tài nguyên có hạn chứ không phải vô hạn, trong khi sử dụng đòn bẩy tài chính qua gia tăng phí, lệ phí…, có thể dẫn tới hạn chế, thậm chí triệt tiêu sự nhiệt tình của các nhà đầu tư.
Như vậy, những yếu tố phải khai thác ngoài vốn, đất đai thì phải là nhân lực, văn hóa, lịch sử, môi trường đầu tư, vị trí địa kinh tế, địa chính trị. Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng, chỉ cần khai thác các yếu tố không giới hạn, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực tế của Thành phố hiện nay. Vì thế, Thành phố Hồ Chí Minh cần được trao quyền nhiều hơn để tìm ra được những nhân tố mang tính “bao trùm” nhiều hơn, tạo nguồn lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển, xứng đáng với vị trí địa chính trị, địa kinh tế của Thành phố trong khu vực và thế giới.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết mới, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, cần tìm ra những điểm then chốt có tính “bao trùm” về không gian, địa lý, thay vì tiếp tục tiếp cận các nguồn lực có giới hạn. Thành phố Hồ Chí Minh cần những cơ chế mang tính “thí điểm và vượt trội” thuộc về tiềm lực của Thành phố, từ đó tạo nguồn lực cho Thành phố, thể hiện tính vượt trội trong vai trò đối với cả vùng.
Cũng ghi nhận sự cấp thiết của Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, với vai trò, vị trí của Thành phố đối với đất nước, Nghị quyết mới được xây dựng không chỉ dành cho địa phương mà còn là vì sự phát triển chung của cả quốc gia. Vì vậy, nội dung của Nghị quyết mới cần được xây dựng theo hướng không chỉ là đề xuất chính sách cho riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là bước thí điểm cho sự phát triển liên vùng và các địa phương khác.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành nêu ví dụ cụ thể, cần quy định các dự án của Thành phố nhưng có tính liên vùng, liên quan đến các địa phương khác, Hội đồng nhân dân Thành phố và các tỉnh được quyết định các vấn đề như bổ sung ngân sách, tăng chi phí đầu tư... theo cơ chế đặc thù dành cho Thành phố, để đảm bảo tính tích cực, tác động lan tỏa cho cả vùng; hoặc quy định về quản lý đầu tư cho phép áp dụng cơ chế vượt trội không chỉ riêng với Dự án Đường sắt đô thị số 1, 2 và Đường Vành đai 3, là những dự án đầu tư có tính chất liên vùng…
Về vấn đề này, Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước những khó khăn, thách thức về động lực phát triển và rất cần thiết có một cơ chế cho phép quyền tự chủ lớn hơn giúp tháo gỡ những "điểm nghẽn" phát triển, gia tăng sức hấp thụ nguồn lực phục vụ cho sự phát triền bền vững của đô thị lớn nhất cả nước.
Tiến sỹ Trần Du Lịch nhấn mạnh, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 mở rộng phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, quản lý đô thị - tài nguyên - môi trường, quản lý khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và tổ chức bộ máy, từ đó tạo cơ chế cho Thành phố phát huy tính năng động, sáng tạo trong quá trình quản lý, phát triển. Đồng thời nội dung Nghị quyết thay thế cũng bao gồm các chính sách, cơ chế mang tính vượt trội về thu hút nguồn nhân lực, nhà đầu tư chiến lược, nguồn lực tài chính sẽ tạo thêm xung lực cho sự phát triển của Thành phố.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn đối với sự phát triển của Thành phố, dự thảo Nghị quyết mới khi được thông qua hy vọng sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, vượt trội, giúp khơi thông các nguồn lực, khai thác, phát huy tối đa mọi tiềm năng để phát triển tương xứng với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.