Chiều nay (23/5), Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vấn đề xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa và làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ hỗ trợ là các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Cân nhắc quy định “cứng” về tiêu chí vốn
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Cao Thị Giang phát biểu ý kiến. |
Theo đó, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người nhưng không thu hẹp đối tượng trong tiêu chí lao động tham gia BHXH vì đây thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật, góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.
Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, tại Điều 4, về tiêu chí xác định DNNVV, không nên đưa ra tiêu chí vốn vì đây không phản ánh thực chất phân loại DN.
“Có một số DN có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng nhưng tổng vốn huy động sản xuất kinh doanh nhỏ hơn 100 tỷ đồng do vốn điều lệ không đáp ứng theo quy định nên DN phải vay thêm ngân hàng để hoạt động. Do vậy, nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn, ngoài tiêu chí lao động thì thêm tiêu chí doanh thu là hợp lý”, bà Cao Thị Giang nhấn mạnh.
Đại biểu Cao Thị Giang đề xuất thêm, tại quy định nguyên tắc hỗ trợ DNNVV nên bổ sung quy định không vi phạm quy định pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Còn đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, việc quy định một trong những tiêu chí xác định DNNVV là tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng là chưa thực sự phù hợp vì thị trường và thị phần liên quan của các DN khác nhau. Có DN kinh doanh dịch vụ có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, doanh thu trên 300 tỷ đồng vẫn có thể coi là DNNVV.
“Hơn nữa, với sự thay đổi và diễn biến khó lường của nền kinh tế hiện nay, việc quy định những tiêu chí tài chính cứng trong luật khiến Chính phủ gặp khó khăn khi cần hỗ trợ DN Việt Nam trong hoạt động trong các ngành công nghiệp – dịch vụ hiện đang có quy mô nhỏ và vừa so với quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong thời đại công nghệ mới, thực thi hiệp định thương mại”, đại biểu Lê Anh Tuấn khẳng định.
Đồng quan điểm, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, quy mô vốn lao động mỗi lĩnh vực tùy vào đặc thù mà khác nhau, do đó, cần quy định tiêu chí riêng theo lĩnh vực kinh tế để hỗ trợ DN.
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ DN
Theo các đại biểu, hiện nay việc tiếp cận vốn của các DNNVV còn khó khăn. Theo đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), dự thảo luật quy định 3 loại Quỹ hỗ trợ vốn là Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, chưa phân định rõ chức năng cũng như cách thức thực hiện các loại quỹ này.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng: “Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là quỹ rất mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, cần đánh giá hiệu quả các quỹ đã có để quyết định thành lập hay không thành lập quỹ mới. Nếu thành lập mới thì cần làm rõ quy trình hoàn vốn, thủ tục thoái vốn, cơ chế quỹ khi DN phá sản…”
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị: Luật cần quy định công khai, minh bạch xếp hạng tín dụng DN, vừa đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng thương mại mà vẫn hỗ trợ được DNNVV. Đối với quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cần lãm rõ khái niệm, tính chất, quy mô DNNVV khởi nghiệp sáng tạo để không gây nhầm lẫn với các loại DNNVV khác.
“Dự thảo luật đã đưa ra nhiều nội dung hỗ trợ nhưng cần xuất phát từ việc DN cần hỗ trợ gì chứ không phải Nhà nước có thể hỗ trợ gì. Hỗ trợ quá nhiều trong khi nguồn lưc không đủ thì sẽ trở thành dàn trải”, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho hay.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. |
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết: Đây là dự luật rất quan trọng trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến kinh tế tư nhân. Các đại biểu đã cùng chung quan điểm là tập trung tạo mọi điều kiện phát triển cho DN. Từ quan điểm đó, đơn vị soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu. Một số vấn đề cần nghiên cứu tiếp.
Liên quan đến băn khoăn của đại biểu rằng có nhiều quỹ quá không, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết 2 quỹ đã có từ trước, chỉ có quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là mới để cổ vũ cho việc DN đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời tạo sự cạnh tranh giữa các quỹ.
“Nếu luật chi tiết quá thì có thể mất đi tính ổn định của luật pháp. Luật khung sẽ giúp chỉnh sửa hoạt hơn cho từng thời kì. Chúng tôi sẽ đồng thời trình Chính phủ thông qua 4 nghị định nếu như luật này được thông qua để luật có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, cơ quan soạn thảo đã khảo sát các khó khăn, vướng mắc của DN. Các nhu cầu của DN đã được khái quát vào các quy định của luật. “Chúng ta đã chuyển hóa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, DN là đối tượng được phục vụ, đồng hành phát triển chứ không phải đối tượng quản lý. Với dự thảo này, có cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực hỗ trợ DN”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.