Tạo bước đột phá trong công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị

Sáng 14/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm công tác đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị-hành chính của các trường bồi dưỡng cán bộ thuộc bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Chú thích ảnh
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị- hành chính ở khối các trường thuộc Trung ương, đồng thời định hướng nhiệm vụ giải pháp thời gian tới.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội nghị.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Giao thông Vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Đoàn;  cùng đại diện lãnh đạo 11 trường bồi dưỡng cán bộ thuộc 10 bộ, ngành đoàn thể Trung ương được giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Tham gia đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay có 11 trường của 10 bộ, ngành, đoàn thể Trung ương (riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 2 trường). Trong điều kiện hiện nay, chủ trương giao cho các trường bộ, ngành đào tạo trung cấp lý luận chính trị là hoàn toàn đúng đắn; góp phần chuẩn hóa một số lượng lớn cán bộ, lãnh đạo quản lý của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đặc biệt, góp phần quan trọng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành.

Dù còn nhiều khó khăn về đội ngũ giảng viên; kinh nghiệm quản lý đào tạo trung cấp lý luận chính trị; về cơ sở vật chất…, nhiều trường đã nỗ lực, cố gắng đổi mới công tác tổ chức, quản lý; triển khai thực hiện khá tốt nội dung, chương trình. Cùng với đó, chất lượng đào tạo đang từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường bộ, ngành thời gian qua cũng có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Đó là việc thực hiện chưa nghiêm quy chế quản lý đào tạo về công tác tuyển sinh, còn tình trạng tuyển sinh sai đối tượng. Nhiều trường tuyển sinh cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành khác hoặc thuộc đối tượng của trường chính trị. Thậm chí có trường còn ủy quyền cho đơn vị khác không có thẩm quyền tuyển sinh. Tình trạng tuyển sinh không đúng đối tượng, quy định nêu trên đã dẫn đến dư luận không tốt về công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của trường bộ, ngành...

Cùng với đó là tình trạng vi phạm quy chế quản lý đào tạo diễn ra khá phổ biến ở các trường bộ, ngành, các trường chưa chú trọng mở lớp tập trung; tỷ lệ các lớp tập trung quá ít. Nhiều trường bộ, ngành có cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu tổ chức lớp tại trường nhưng lại đặt lớp ngoài trường với số lượng lớp lớn. Việc thực hiện nội dung chương trình ở một số trường chưa nghiêm, còn tình trạng cắt xén thời lượng...

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường bộ, ngành tham gia giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Việc bố trí giảng viên giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính chưa khoa học. Một số giảng viên giảng dạy chưa đúng chuyên ngành, phương pháp giảng dạy chủ yếu là thuyết trình; chất lượng giảng dạy chưa cao.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới; tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn, trong đó đòi hỏi rất cao về tiêu chí, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, giảng viên; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; về các nguồn lực bảo đảm cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị nói chung và đào tạo trung cấp lý luận chính trị nói riêng…. Việc tổ chức Hội nghị này là rất cần thiết để đánh giá kết quả đạt được và những khuyết điểm, hạn chế trong đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của trường bộ, ngành. Đây cũng là dịp để đánh giá, nhìn nhận vai trò của các trường bộ, ngành trong công tác đào tạo lý luận chính trị thời gian tới.

Báo cáo tổng kết 5 năm công tác đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính của các trường bồi dưỡng cán bộ thuộc bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cho thấy, đội ngũ giảng viên giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị - hành chính tại 11 trường bồi dưỡng cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương gồm 775 người, trong đó giảng viên cơ hữu là 267 người với trình độ chuyên môn từ cử nhân tới Phó Giáo sư.

Với chức năng là cơ quan hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn đối với hệ thống các trường chính trị nói chung và công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường bộ, ngành nói riêng, trong những năm qua, công tác xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có chương trình, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính phục vụ các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ, ngành.

Học viện đã hướng dẫn các trường bộ, ngành biên soạn tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển bộ, ngành” nhằm phù hợp với chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Cùng với đó, hàng năm, Học viện đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường bộ, ngành. Giảng viên trường bộ, ngành tham gia tập huấn cùng với giảng viên các trường chính trị. Nội dung chương trình tập huấn được thiết kế theo hướng chú trọng tính cập nhật và kỹ năng, phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh đó, Học viện có những cuộc làm việc với lãnh đạo bộ, Trung ương Đoàn của trường bộ, ngành; làm việc với trường bộ, ngành yêu cầu thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chương trình, quy chế quản lý đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính.

Học viện còn đổi mới quy trình quản lý hoạt động đào tạo Trung cấp lý luận chính trị của các trường bộ, ngành như: Trước khi tuyển sinh mở lớp cần xin ý kiến của Giám đốc Học viện; rà soát, đối chiếu đến từng học viên của từng lớp trước khi cấp phát phôi bằng… Qua đó, giúp tổ chức quản lý chặt chẽ, khoa học các khâu trong quy trình đào tạo.

Tại Hội nghị, các đại biểu dự đã thảo luận, cho ý kiến về kết quả công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của các trường bộ, ngành thời gian qua, hạn chế, thiếu sót, những khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan chủ quản về hoạt động đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính; những bất cập trong việc xác định đối tượng, mục tiêu, nội dung chương; những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của nhà trường…

Các đại biểu đưa ra những phương hướng, giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo Trung cấp lý luận chính trị thời gian tới.

Thu Phương (TTXVN)
Nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Nâng cao chất lượng đào tạo cao cấp lý luận chính trị

Chiều 14/4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi làm việc với Bộ Công an về đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ, sỹ quan thuộc Bộ Công an.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN