Tăng cường quản lý, sử dụng cán bộ, công chức sau sáp nhập đơn vị hành chính

TP Hồ Chí Minh đã thực hiện khẩn trương và hiệu quả Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Cán bộ dôi dư sẽ được sắp xếp những công việc phù hợp khi thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nội dung lớn mà Thành phố đang tập trung giải quyết hiện nay là việc tổ chức, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sáp nhập đơn vị hành chính vừa đảm bảo tinh giản biên chế, duy trì ổn định và hoạt động có hiệu quả bộ máy hành chính nhưng đồng thời cũng đảm bảo quyền lợi chính đáng cho lực lượng dôi dư. 

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã góp phần tinh gọn bộ máy, đảm bảo quy mô quản lý phù hợp, tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không chuyên trách cấp xã, tạo điều kiện để cơ cấu và lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm. Cùng với đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính còn tạo điều kiện xây dựng quy hoạch một cách quy mô, tăng cường khả năng thu hút đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời kiện toàn hệ thống giáo dục, y tế, tạo sự gắn kết cộng đồng cao trong nhân dân. 

Sau khi thực hiện sắp xếp, TP Hồ Chí Minh có 21 quận, huyện và 1 thành phố (thành phố Thủ Đức) với 312 phường, xã, thị trấn (giảm 10 phường). Số cán bộ dôi dư là 644 người; trong đó cấp huyện có 399 người, cấp xã 235 người. Tính từ tháng 1 - 6/2021, ngân sách tiết kiệm được từ việc sắp xếp nhân lực đơn vị hành chính là 22 tỷ đồng bao gồm giảm chi tiền lương, phụ cấp, giảm chi hoạt động. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, quá trình sắp xếp cũng gặp khó khăn do việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị hành chính mới thành lập nhất là cấp xã có số lượng cán bộ, công chức tăng cơ học khi sáp nhập, lại vừa thực hiện giảm số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Điều đó càng làm tăng thêm áp lực lên hoạt động của bộ máy và cán bộ, công chức các cấp. Ngoài ra, theo quy định các chức danh cán bộ chủ chốt chỉ do 1 người đảm trách nên khi sáp nhập 2 hoặc 3 đơn vị hành chính thành một đơn vị hành chính mới, việc bố trí cán bộ gặp khó khăn, đặc biệt là cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, cần có lộ trình và thời gian để sắp xếp tinh gọn.     

Để giải quyết lực lượng dôi dư, TP Hồ Chí Minh có phương án sắp xếp theo lộ trình 5 năm (2021 - 2025); chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các trường hợp sắp xếp do dôi dư. Các đơn vị tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, theo tiêu chuẩn chức danh, nhất là đào tạo trình độ quốc tế ở 8 ngành (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính-ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị) đảm bảo theo kịp tiến độ thành lập và phát triển của thành phố Thủ Đức. 

Đối với việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục làm việc ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố Thủ Đức để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của thành phố Thủ Đức. Trường hợp cần thiết, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường nhân lực từ nơi khác để hỗ trợ thành phố Thủ Đức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới trong trước mắt và lâu dài. TP Hồ Chí Minh sẽ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Thủ Đức về nâng cao thu nhập theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. 

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các nghị quyết, quy định của Trung ương vào tình hình thực tế của Thành phố để ban hành các văn bản hướng dẫn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo phù hợp; ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, số cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. 

Để có kết quả tối ưu nhất việc sắp xếp đơn vị hành chính, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tham mưu Chính phủ hoàn thiện các quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức người hoạt động không chuyên trách cấp xã, người nghỉ việc do dôi dư sau khi sáp nhập, sắp xếp và cần tổ chức rút kinh nghiệm để công tác hướng dẫn triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2030 được thuận lợi hơn, đảm bảo kịp thời, đầy đủ hơn, qua đó giúp các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện thống nhất.

Trần Xuân Tình  (TTXVN)
Quảng Ngãi: Chủ động khắc phục khó khăn sau khi sáp nhập đơn vị hành chính
Quảng Ngãi: Chủ động khắc phục khó khăn sau khi sáp nhập đơn vị hành chính

Sáp nhập đơn vị hành chính, cải cách bộ máy, tiết kiệm ngân sách để đầu tư phát triển là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN