Bắc Kạn đảm bảo việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã không gây xáo trộn cuộc sống người dân

Ngày 5/2, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội nghị triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 855/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Ngày 10/1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/02/2020, tỉnh Bắc Kạn giảm từ 122 xuống còn 108 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 96 xã, 6 phường và 6 thị trấn. Như vậy, hiện Bắc Kạn có 7 huyện, 1 thành phố với 108 xã, phường, thị trấn, giảm 14 đơn vị hành chính cấp xã so với trước đây.

Cụ thể, tại huyện Ngân Sơn thành lập xã Hiệp Lực trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hương Nê và xã Lãng Ngâm. Sau khi sắp xếp, huyện Ngân Sơn còn 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 9 xã và 1 thị trấn.

Huyện Na Rì thành lập xã Văn Lang trên cơ sở nhập toàn bộ xã Ân Tình và xã Lạng Sơn; thành lập xã Trần Phú trên cơ sở nhập toàn bộ xã Hảo Nghĩa và xã Hữu Thác; thành lập xã Sơn Thành trên cơ sở nhập toàn bộ xã Lam Sơn và xã Lương Thành; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Lương Hạ vào thị trấn Yến Lạc, vẫn giữ nguyên tên thị trấn Yến Lạc; điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Văn Học và toàn bộ diện tích, dân số còn lại của xã Lương Hạ vào xã Cường Lợi, lấy tên xã mới sau điều chỉnh là Cường Lợi; thành lập xã Văn Vũ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số còn lại của xã Văn Học và xã Vũ Loan. Sau khi sắp xếp, huyện Na Rì còn 17 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 1 thị trấn.

Đối với huyện Bạch Thông, thành lập xã Quân Hà trên cơ sở nhập toàn bộ xã Quân Bình và xã Hà Vị; nhập toàn bộ xã Phương Linh vào thị trấn Phủ Thông, giữ nguyên tên thị trấn Phủ Thông; thành lập xã Tân Tú trên cơ sở nhập toàn bộ xã Tân Tiến và xã Tú Trĩ. Sau khi sắp xếp, huyện Bạch Thông có 14 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 13 xã và 1 thị trấn.

Huyện Chợ Đồn thành lập xã Đồng Thắng trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Đông Viên và xã Rã Bản; nhập một phần diện tích tự nhiên, dân số của xã Phong Huân và xã Bằng Lãng, lấy tên xã mới sau sắp xếp là Bằng Lãng; thành lập xã Yên Phong trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích, dân số còn lại của xã Phong Huân với toàn bộ xã Yên Nhuận. Sau sắp xếp, huyện Chợ Đồn có 20 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 19 xã và 1 thị trấn.

Huyện Chợ Mới thành lập thị trấn Đồng Tâm trên cơ sở nhập toàn bộ thị trấn Chợ Mới và xã Yên Đĩnh; thành lập xã Thanh Thịnh trên cơ sở nhập toàn bộ xã Thanh Bình và xã Nông Thịnh. Sau sắp xếp, huyện Chợ Mới có 14 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 13 xã và 1 thị trấn.

Huyện Ba Bể nhập toàn bộ xã Cao Trĩ vào xã Thượng Giáo và lấy tên xã mới là xã Thượng Giáo. Sau sắp xếp, huyện Ba Bể còn 14 xã và 1 thị trấn.

Tại hội nghị, đại diện các huyện có các xã được sáp nhập đã xin ý kiến các ngành, lãnh đạo UBND, Tỉnh ủy chỉ đạo về các vấn đề như hướng dẫn sắp xếp lại cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Đại diện huyện Ba Bể xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy về vấn đề chuyển từ cán bộ sang công chức, đại diện huyện Ngân Sơn nêu ý kiến xin hướng dẫn về ban hành con dấu của xã mới sau sáp nhập hay ý kiến của huyện Chợ Mới về việc sắp xếp cán bộ cho các đơn vị đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, huyện Chợ Đồn có ý kiến Sở Tư pháp phải có hướng dẫn cụ thể về phần mềm hộ tịch để thực hiện đồng bộ, phù hợp với các địa danh mới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, các huyện, xã có sáp nhập phải chủ động giải quyết các vướng mắc, nếu vướng trong quá trình thực hiện thì xin ý kiến chỉ đạo, các ban, ngành của tỉnh để có hướng dẫn cụ thể giải quyết trong thời gian sớm nhất. Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đề nghị lãnh đạo các xã được sáp nhập trong đợt này phải nêu cao trách nhiệm của người đảng viên, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ; công tác cán bộ, cơ sở vật chất phải phân công cho phù hợp, không được gây phiền hà cho người dân, đảm bảo việc sáp nhập không gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Vũ Hoàng Giang (TTXVN)
Thanh Hóa chi gần 10 tỷ đồng trợ cấp cho cán bộ nghỉ việc sau sáp nhập thôn, tổ dân phố
Thanh Hóa chi gần 10 tỷ đồng trợ cấp cho cán bộ nghỉ việc sau sáp nhập thôn, tổ dân phố

Ngày 4/2, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách và số kinh phí trợ cấp một lần đối với lực lượng Công an xã, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, những người hoạt động không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh nào sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN