Tác động của hội nhập quốc tế và CMCN 4.0 đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Ngày 17/11/2021, tại Học viện Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đã chủ trì Hội thảo khoa học chuyên đề về “Tác động của hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam”.

Hội thảo nhằm triển khai thực hiện Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu (trái) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp, đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Hội Luật quốc tế, Toà án Nhân dân Tối cao, các cơ quan nghiên cứu về pháp luật, cùng các bộ, ban, ngành liên quan…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định việc đánh giá toàn diện các tác động từ hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một phần quan trọng trong tiến trình cụ thể hóa các chủ trương của Đại hội XIII. Đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” trong giai đoạn 2021-2030. Để hướng tới mục tiêu này, cần có giải pháp thể chế, luật pháp và một lộ trình cụ thể nhằm tận dụng được các tác động tích cực của hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, gắn với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới; quá trình hội nhập quốc tế và tranh thủ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải thực hiện các cải cách pháp luật, thể chế, tạo ra những tác động sâu rộng đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Hội thảo được tổ chức với hai phiên thảo luận bám sát thực tiễn, tập trung vào: Đánh giá các tác động thuận và không thuận của hội nhập quốc tế và  Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phân tích các vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và hoàn hiện thể chế kinh tế phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của thế giới, khu vực và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên cơ sở đó, các đại biểu thảo luận đi sâu vào khuyến nghị về mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các định hướng, giải pháp hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các nhà khoa học đã tích cực thảo luận, đưa ra những ý kiến đánh giá và khuyến nghị sâu sắc, qua đó giúp Bộ Ngoại giao nghiên cứu, bổ sung, sớm hoàn thiện chuyên đề, đóng góp vào hoàn thành Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

TTXVN/Báo Tin tức
Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 12/11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN