Tư tưởng Hồ Chí Minh bao trùm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

Trước thềm Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Bài viết đã thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo cử tri Thủ đô, giới chuyên môn, các luật sư, các chuyên gia luật học… về ý nghĩa và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác lập pháp, các nội dung liên quan đến công tác xây dựng luật pháp, việc triển khai, thực thi pháp luật vào cuộc sống…

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tôn trọng pháp luật quốc tế là kim chỉ nam trong đối thoại và hội nhập của Việt Nam

Trong bài viết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, tôn trọng pháp luật quốc tế là tầm nhìn rất xa và rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là kim chỉ nam cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đối ngoại và hội nhập của Việt Nam. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiều hình thức hội nhập quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn.

Tán thành nội dung này, Luật sư Đặng Thị Huyền (Chuyên gia phân tích Pháp quyền và Nhân quyền, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc) cho rằng, với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực xây dựng chính sách và pháp luật, bà nhận thấy định hướng của Quốc hội về công tác lập pháp trong thời gian tới tập trung đề cao tính tối thượng của pháp luật, đảm bảo tính thực thi của pháp luật, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân là hết sức phù hợp với các cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang ứng cử làm thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sau khi Nghị quyết 48 về Cải cách pháp luật và Nghị quyết 49 về Cải cách tư pháp được ban hành, công tác lập pháp cũng như thực thi pháp luật đã có những bước cải cách lớn với các nội dung và phương pháp tiếp cận mang tính quốc tế về vấn đề pháp quyền và nhân quyền. Trên tinh thần kế thừa các quy định tiến bộ của các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp năm 2013 đã quy định một chương riêng về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cũng quy định rõ các cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người trên thực tế. Tiếp đó, việc sửa đổi các bộ luật và luật cơ bản như Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc đảm bảo các quyền cơ bản của con người như quyền của bị can, bị cáo, quyền của người bào chữa. Đồng thời, cơ chế tranh tụng cũng được đẩy mạnh cả trong pháp luật và thực tiễn với vai trò, ví thế của luật sư ngày càng được nâng cao.

Luật sư Đặng Thị Huyền bày tỏ hy vọng, trong thời gian tới Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế bảo đảm hơn nữa quyền con người trong quy định của chính sách và pháp luật, như cơ chế bảo hiến, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát việc thực thi các cơ chế này trong thực tiễn, trên cơ sở tham khảo các thông lệ tốt của quốc tế. Đặc biệt, việc nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phát triển bền vững kinh tế-xã hội-môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong thời kỳ hội nhập hiện nay, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp quốc mà Việt Nam là thành viên.

Xây dựng pháp luật có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn

Nghiên cứu bài viết của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh) bày tỏ tâm đắc khi nhiệm vụ trọng tâm hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới được Chủ tịch Quốc hội yêu cầu “Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật để các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có căn cứ khoa học. Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật”. 

Qua thực tiễn tham gia vào hoạt động tố tụng, luật sư Giang Hồng Thanh đánh giá, có nhiều văn bản luật được ban hành nhưng không có khả năng áp dụng vào cuộc sống hoặc nếu áp dụng sẽ gây nhiều bất cập, rủi ro cho người dân. Luật sư lấy ví dụ một trong những quy định không khả thi là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (quy định tại Điều 5, khoản 1, điểm a, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP). Theo luật sư Thanh, quy định này không những không đảm bảo tính răn đe đối với người vi phạm mà còn gây bức xúc cho người bị vi phạm, gây bất bình trong dư luận xã hội. Điển hình như nam thanh niên sàm sỡ phụ nữ hay người đàn ông lớn tuổi cưỡng hôn bé gái… đều chỉ bị phạt tiền 200.000 đồng, không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Một ví dụ khác, quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (theo quy định tại Điều 24, khoản 3, điểm a, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP). Nghĩa là mua bán 100 hay 100.000 USD cũng đều bị phạt tương đương nhau. Điều này dẫn tới sự việc hồi cuối năm 2018, tại thành phố Cần Thơ xảy ra vụ phạt tiền 90 triệu đồng đồng đối với người bán 100 USD. Về sau Nghị định số 88/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đã loại bỏ sự vô lý này.

Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích, để hạn chế những văn bản thiếu tính thực tế, các cơ quan tham mưu và những cá nhân có trách nhiệm soạn thảo văn bản cần đặt mình vào những tình huống cụ thể xuất hiện trong văn bản, để xem trường hợp đó có thể giải quyết một cách trơn tru, hài hòa, đúng với hướng dẫn trong văn bản hay không. Nếu có vướng mắc, thì cần thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân và điều chỉnh ngay trước khi văn bản được ban hành, để đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật. Đó cũng chính là thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo đảm dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật, đòi hỏi cần có sự tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật.

Pháp luật phải nhân văn, vì con người

Là một thẩm phán nghỉ hưu, có thâm niên hơn 20 năm công tác tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, bà Ngô Thị Yến bày tỏ sự tâm đắc với nội dung “tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu cầu mục đích của pháp luật là phải nhân đạo, nhân văn, vì con người” được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong bài viết. Bằng lòng yêu nước thương dân vô hạn, Hồ Chí Minh luôn mong muốn xây dựng hệ thống pháp luật nhân đạo, nhân văn vì Nhân dân lao động, vì con người sau khi đã giành được chính quyền. Với Người, pháp luật là do con người và vì con người, không theo kiểu pháp luật độc tôn.

Theo bà Ngô Thị Yến, quá trình tham gia xét xử, bà luôn cố gắng xem xét vụ án một cách hài hòa, giải quyết mối quan hệ giữa người với người, giữa người với công việc trên nền tảng có lý, có tình. Vụ án nào có thể xem xét giải quyết tranh chấp theo hướng hòa giải, có lợi cho hai bên đương sự, bà đều ưu tiên xử lý, đảm bảo cân đối quyền lợi hợp pháp của cả 2 bên.

Thời gian gần đây, công tác giải quyết tranh chấp theo hướng hòa giải đã được tiến hành thí điểm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án 15 tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Sau một thời gian thí điểm, năm 2020, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021). Trực tiếp tham gia công tác xét xử trong một số vụ án này, bà Ngô Thị Yến cho rằng, việc Quốc hội ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là rất cần thiết, vì đây là một cơ chế pháp lý mới, một chế định nhân văn, ưu việt, giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp một cách văn minh, thân thiện và lịch sự mà không phải mở phiên tòa xét xử. Bản chất của các vụ việc dân sự là sự tự nguyện của hai bên, nên việc hòa giải, đối thoại thành công trước khi tòa án thụ lý sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề, xóa được vướng mắc của các cá nhân trong các tranh chấp. Đây chính là việc đặt những viên gạch xây dựng hệ thống pháp luật mà Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng là sản phẩm của chế độ có một "mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người… đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy".

Bà Ngô Thị Yến phân tích, việc Quốc hội cho ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại đã giúp giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế, trong khi số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Đây là bước chuyển mình lớn trong công tác lập pháp, thông qua việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án, góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân, đặt mục tiêu vì quyền lợi của nhân dân, từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Kim Anh (TTXVN)
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh

Nhân dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trước thềm Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài viết "Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN