Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết

Sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hiện Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý.  

Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2009 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Luật khám bệnh, chữa bệnh mang tính đột phá trong công tác quản lý hành nghề y trong lĩnh vực khám chữa bệnh; đưa ra một khung pháp lý mới trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh.

Tuy nhiên sau 10 năm triển khai, một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh  chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được với mục tiêu mong đợi, một số quy định còn chưa hội nhập với hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các nước trên thế giới và trong khu vực. Vấn đề khám, chữa bệnh hiện nay đã khác nhiều so với trước đây như cách tổ chức, văn hóa sử dụng dịch vụ y tế… Kỹ thuật cũng như công nghệ khám, chữa bệnh hiện nay đã hiện đại hơn, chuẩn mực hơn, đồng bộ hơn và dễ sử dụng hơn.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, vấn đề khám, chữa bệnh trực tuyến hiện nay cũng khác rất nhiều. Trước đây, bác sỹ phải gặp trực tiếp bệnh nhân để khám, chữa bệnh cho họ một cách chuẩn chỉ, thì nay bệnh nhân không cần gặp bác sỹ, chỉ cần chụp hình ảnh, gửi online các kết quả xét nghiệm hoặc siêu âm… rồi bác sỹ có thể chẩn đoán, kê đơn cho bệnh nhân.

“Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra trong thời gian dài vừa qua đã cho thấy việc sửa đổi Luật này là vô cùng cần thiết. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn nhưng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho 6 nhóm đối tượng, quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, kỹ sư xạ trị, kỹ sư vật lý y học, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,… gây khó khăn cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ không đánh giá được thực chất năng lực chuyên môn của người hành nghề cũng như chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo.

Nhiều y, bác sĩ cũng cho rằng, hiện có rất nhiều chuyên khoa mới xuất hiện như chuyên ngành sinh học phân tử. Cách đây 30 năm không có chuyên ngành này, thì nay, học và thi vào chuyên ngành sinh học phân tử rất khó. Nhưng có một nghịch lý là: Trong các mã ngành của y tế nước ta, không hề có mã ngành sinh học phân tử.

Điều đó đồng nghĩa người học không được cấp chứng chỉ hành nghề. Thậm chí có một số trường hợp học Thạc sỹ, Tiến sỹ của ngành sinh học phân tử ở nước ngoài nhưng vẫn phải học lại cao đẳng chuyên ngành xét nghiệm ở Việt Nam thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong nước. Hệ đào tạo ngành y của nước ta và các nước trên thế giới có sự khác nhau. Ở nước ta hiện nay vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa việc học ngành y và việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là một bất cập trong việc đào tạo y khoa.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, cử nhân tốt nghiệp Đại học Y không có nghĩa họ được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Họ phải có giấy phép, có chứng chỉ hành nghề thì mới có thể khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy như vậy. Để trở thành bác sỹ khám, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được cấp phép. Vấn đề này ở nước ta hiện nay đang gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập. Tổ chức hệ thống y tế Việt Nam còn nhiều bất cập và cũng cần phải thay đổi. Hiện hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính và được phân theo 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện phát sinh những mâu thuẫn và bất cập. Một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như bệnh án điện tử, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đăng ký hành nghề…. chưa được quy định cụ thể trong Luật nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi dự án Luật lần này là rất cần thiết và cấp thiết, vì cuộc sống đã thay đổi, công nghệ đã thay đổi, và nhu cầu của con người cũng như các tương tác trong xã hội đã thay đổi, quỹ thời gian, điều kiện đi lại của mỗi người cũng khác nhau.

Để dự án Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, GS.TS Nguyễn Anh Trí đề nghị, cần phải tổ chức lại hệ thống y tế ở Việt Nam theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3. Xây dựng một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép.

Tổ chức lại đội ngũ y bác sỹ, xem xét vấn đề cấp phép, tạo mọi điều kiện cho y, bác sỹ được khám, chữa bệnh tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn và người dân có điều kiện tiếp cận với những thầy thuốc giỏi nhiều hơn. Cần lưu ý đến chính sách đào tạo cán bộ y bác sỹ, tuyển dụng, mã ngành. Điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý.

Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học). Tất cả những chính sách liên quan đến thanh toán do BHYT chi trả cần được xem xét, tháo gỡ sao cho nhanh chóng, thuận tiện cho người dân…

Bài và ảnh: V.T/Báo Tin tức
Bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bế mạc Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 17/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 8. Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch, chương trình đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN