Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, Đặng Hoàng Tuấn phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV, chiều 8/11. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Ông đánh giá thế nào về giao thông đường sắt hiện nay và Luật Đường sắt cần sửa đổi ở những điểm gì?
Như chúng ta đã biết, suốt thời gian qua ngành đường sắt là giao thông chính của đất nước. Mặc dù kinh tế nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn nhưng ngành đường sắt vẫn “giậm chân tại chỗ”, thậm chí còn tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Theo đánh giá, kể từ 10 năm trở lại đây ngành đường sắt hầu như không có sự phát triển, nguyên nhân một phần là cơ chế, chính sách chưa quan tâm đến ngành này. Do đó, việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này sẽ tạo ra những cơ chế, chính sách để làm sao khuyến khích thu hút được đầu tư vào ngành này.
Hiện giao thông đường sắt vẫn là phương tiện vận chuyển hàng hóa và người rất tốt. Các nước xung quanh như Trung Quốc hiện cũng đã phát triển đường sắt khổ 1,435 m. Do đó, Việt Nam muốn kết nối giao thông với các nước lân cận cũng phải đầu tư cùng hệ thống như thế.
Tuy nhiên, trong Luật Đường sắt hiện nay tôi vẫn băn khoăn về quy định khổ đường sắt khi vẫn chưa rõ ràng giữa khổ 1,435 m và 1 m, như vậy là không đồng bộ. Do đó, chúng ta phải có chính sách cụ thể từ nay đến giai đoạn nào thì đầu tư nâng cấp sửa đổi khổ đường sắt 1 m và 1,1 m. Và đến giai đoạn nào thì đầu tư nâng cấp đồng bộ lên khổ 1,435 m. Như vậy, mới phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế, đáp ứng được tính liên kết vùng và kết nối với các nước lân cận.
Luật Đường sắt đang xây dựng chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư nhưng đến năm 2020 mới thực hiện. Vậy theo ông, việc kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành đường sắt có quá muộn không?
Trong bối cảnh hiện đường sắt của nước ta vẫn chủ yếu là khổ 1m và 1,1m, theo đánh giá thì đây là khổ đường ray lạc hậu nhất trên thế giới. Việc chỉnh sửa Luật Đường sắt lần này nhằm đưa cơ chế chính sách để thu hút đầu tư cho ngành đường sắt phát triển là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách hiện nay rất khó khăn, nếu đầu tư đồng bộ từ khổ 1m lên 1,435m lại càng khó khăn, không có vốn đầu tư. Do đó, cũng có thể chúng ta đầu tư từng bước, từng giai đoạn.
Tóm lại, để phát triển ngành đường sắt thì nhà nước cần có chính sách phù hợp theo xu thế, đạt tiêu chuẩn của quốc tế. Bên cạnh đó, muốn kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành đường sắt thì cũng phải có cơ chế, đồng thời tiêu chuẩn cũng phải đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế thì nhà đầu tư mới hướng tới.
Theo ông, cần phải có giải pháp gì để kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành đường sắt?
Thực tế, hiện nay chúng ta đã xã hội hóa được lĩnh vực đường bộ, đường hàng không. Hy vọng, thời gian tới chúng ta sẽ xã hội hóa được ngành đường sắt. Tuy nhiên, vấn đề xã hội hóa và kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực đường sắt hiện nay rất khó bởi vấn đề quan trọng là hoàn vốn lại cho nhà đầu tư. Cho nên, tôi cho rằng nhà nước phải đặc biệt quan tâm, đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư cho ngành đường sắt phát triển.
Việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này cũng cần hướng đến việc xã hội hóa nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ cho ngành đường sắt. Trước mắt, cần nâng cấp các tuyến đường hiện có; khi đầu tư mới thì phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nếu kêu gọi đầu tư vào ngành đường sắt thì hiện chỉ có thể kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ như nhà ga, trạm dừng. Bởi khi đầu tư vào đó thì các dịch vụ kèm theo mới tạo nguồn thu cho doanh nghiệp. Còn nếu kêu gọi đầu tư vào tuyến đường sắt thì rất khó vì không có nguồn thu.
Xin cảm ơn ông!