Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao những thành quả Cộng đồng Pháp ngữ đạt được trong các lĩnh vực hợp tác và những đóng góp tích cực vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu về an ninh, phát triển. Theo đó, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tăng cường hình ảnh của Pháp ngữ tại khu vực.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được thắt chặt; vai trò và vị thế của Việt Nam trong Cộng đồng ngày càng được củng cố và nâng cao. "Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào việc củng cố tình đoàn kết và sự hợp tác trong Cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững trên thế giới, sẵn sàng làm cầu nối cho sự phát triển mạnh mẽ của Pháp ngữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ buổi Lễ, bà Anne Lange, Trưởng Phái đoàn Vùng Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, Chủ tịch Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và cơ quan Pháp ngữ tại Hà Nội (GADIF) đã trao Giải thưởng GADIF tặng bà Bùi Trân Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Thái Bình Dương, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và sinh viên Trần Bích Ngà, Đại học Y dược thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Đây là giải thưởng thường niên do các Đại sứ quán, Phái đoàn và cơ quan Pháp ngữ tại Hà Nội bầu chọn nhằm tôn vinh những cá nhân tiêu biểu đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển tiếng Pháp tại Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Đã thành thông lệ, Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3 do Bộ Ngoại giao tổ chức đã trở thành Ngày hội của những người nói tiếng Pháp và yêu tiếng Pháp tại Việt Nam. Trong khuôn khổ buổi Lễ, các đại biểu đã thưởng thức một số chương trình nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa do Nhà hát Múa rối Việt Nam, sinh viên khoa Pháp Đại học Quốc gia, nhóm nghệ sỹ Canada, Pháp và các sinh viên châu Phi biểu diễn.
Nhân dịp này, 60 gian hàng của các đại sứ quán và các tổ chức nói tiếng Pháp, các trường phổ thông và đại học có giảng dạy tiếng Pháp, của các cơ quan và các đối tác thương mại cũng mang tới nhiều thông tin bổ ích, các hoạt động ẩm thực và giải trí phong phú…
Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia, cung cấp tin cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước, đã có gian hàng giới thiệu những sản phẩm thông tin đặc sắc tại sự kiện, trong đó có Báo Le Courrier du Vietnam - tờ nhật báo tiếng Pháp duy nhất của Việt Nam.
Báo Le Courrier du Vietnam đã tổ chức trưng bày các ấn phẩm đặc sắc tại sự kiện gồm: Tạp chí 64 trang phát hành hàng, báo điện tử và chuyên đề truyền hình “Không gian Pháp ngữ”. Các ấn phẩm trên đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa Việt Nam với Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp của Le Courrier du Vietnam, một kênh thông tin đối ngoại hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong công cuộc hội nhập quốc tế. Các ấn phẩm Báo Le Courrier du Vietnam góp phần tích cực vào việc tuyên truyền chính sách đối ngoại của Việt Nam trên các lĩnh vực, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tích cực phản bác những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc, sai trái và thù địch ở bên ngoài về tình hình trong nước; giúp độc giả nói tiếng Pháp tiếp cận chính xác tình hình phát triển, hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam...
Trong hai ngày diễn ra sự kiện 15-16/3, nhiều hoạt động khác tiếp tục được tổ chức như: Các tiết mục văn nghệ, kịch, múa, hát do các em học sinh và sinh viên tiếng Pháp biểu diễn; các cuộc thi kiến thức bằng tiếng Pháp và các trò chơi giáo dục thú vị cùng nhiều phần quà và vật kỷ niệm dành cho công chúng.
Đặc biệt, sáng 16/3, hoạt động “Nối vòng tay lớn Pháp ngữ” lần đầu được tổ chức tại Hà Nội với hơn 1.200 học sinh, sinh viên đang theo học tiếng Pháp, cùng mặc những chiếc áo phông mang năm màu của cộng đồng Pháp ngữ sẽ xếp hình theo logo của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ xung quanh Nhà bát giác phía sau tượng vua Lý Thái Tổ và nắm tay nhau tạo thành một chuỗi sắc màu sinh động mang màu sắc Pháp ngữ dọc đường Lê Thạch. Sau đó là lễ cắt bánh gatô cao 25 tầng nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Lễ trao giải thưởng cho các học sinh Hà Nội đoạt giải Cuộc thi tiếng Pháp quốc gia…
Cùng với đó, trên khắp cả nước, suốt tháng 3 này, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục và các ngày hội cũng sẽ được tổ chức tại các trường phổ thông, đại học và các câu lạc bộ tiếng Pháp. Đây là dịp để công chúng thấy rõ hơn sức sống và sự năng động của cộng đồng nói tiếng Pháp tại Việt Nam.
Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tập hợp 88 nhà nước và chính phủ thành viên với khoảng 300 triệu người sử dụng tiếng Pháp và cùng chia sẻ các giá trị toàn cầu chung. Tổ chức này đại diện cho một tập hợp các quốc gia nhằm phát triển mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa giữa các thành viên, xuất phát từ một ngôn ngữ chung là tiếng Pháp. Việt Nam gia nhập Cộng đồng Pháp ngữ ngay từ khi thành lập tổ chức này vào năm 1970 và được coi như thành viên sáng lập của Tổ chức.d