Quyền con người: Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép - Bài 2: Cần chấm dứt những luận điệu 'đổi trắng thay đen'

Việt Nam là quốc gia có nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng tồn tại cùng nhau, đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, tinh thần của đông đảo người dân. Lợi dụng sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, các thế lực bên ngoài thường xuyên tìm cách chống phá các chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng để phục đích các mục đích chính trị.

Chú thích ảnh
Sáng 7/5/2020, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại lễ Phật đản 2020 Phật lịch 2564. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Năm nay, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) và Bộ Ngoại giao Mỹ lại đưa ra những nhận định phiến diện, đậm màu chủ quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, phớt lờ thực tế đời sống tôn giáo sôi động tại Việt Nam cũng như các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong việc đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân. Báo cáo của USCIRF chứa đựng những thông tin sai lệch, cho rằng Việt Nam tiếp tục thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo “trái ngược với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”, đồng thời khuyến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC). Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng “Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các cộng đồng tôn giáo chưa được công nhận”. 

Trong khi đó, một số tổ chức, cá nhân thù địch như Đài châu Á tự do (RFA), tổ chức khủng bố Việt Tân lại núp bóng “bảo vệ tự do tôn giáo” để thông tin sai sự thật, nói rằng chính quyền Việt Nam “ép buộc hàng trăm người bỏ đạo”; “phân biệt đối xử người dân theo đạo và không theo đạo”.

Cần khẳng định rằng những đánh giá mang tính định kiến, thiếu thiện chí trong các báo cáo trên cho thấy một số tổ chức quốc tế cũng như các thế lực thù địch đã cố tình phớt lờ những kết quả đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thực thi các chính sách bảo đảm, thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực, nghiêm cấm phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia...

Thứ nhất, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam được đảm bảo thể hiện qua việc luật hóa quyền này. Hiến pháp năm 2013 khẳng định mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; nhà nước tôn trọng vào bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã tác động tích cực đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục thể hiện chủ trương nhất quán đối với vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo khi nhấn mạnh bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người.

Thứ hai, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam được đảm bảo thể hiện qua số lượng tôn giáo và tổ chức tôn giáo được thừa nhận và cấp phép hoạt động. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự; hằng năm có hơn 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Những con số biết nói này khẳng định rằng Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo phát triển, trái ngược với luận điệu vu khống về cái gọi là “đàn áp các cộng đồng tôn giáo” như trong báo cáo của USCIRF.

Việc sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của bà con cũng rất thuận lợi. Người có tín ngưỡng, tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin tại gia đình, cơ sở thờ tự hoặc điểm nhóm đăng ký với chính quyền. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo Hiến chương, điều lệ; nâng cấp, xây mới cơ sở thờ tự; mở rộng quy mô và hình thức sinh hoạt… Các hoạt động lễ hội thường niên của nhiều tôn giáo như lễ Noel của Công giáo, lễ Phật đản của Phật giáo và hàng loạt lễ hội của các tôn giáo khác đều diễn ra long trọng với sự tham gia của hàng trăm nghìn tín đồ. Một số lễ hội tôn giáo lớn đã trở thành ngày hội chung của đông đảo nhân dân, thể hiện đạo-đời hòa hợp, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Không những vậy, Việt Nam còn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ngày càng được mở rộng. Hằng năm, hàng trăm đoàn của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài; nhiều chức sắc nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam: Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai; Tin lành kỷ niệm 100 năm đạo Tin lành truyền vào Việt Nam; Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản VESAK Liên hợp quốc năm 2019 thu hút sự tham dự của khoảng 3.000 đại biểu (1.650 đại biểu khách quốc tế đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ)... Đây là những minh chứng sống động, thuyết phục, phản bác các luận điệu vu cáo Nhà nước Việt Nam “o ép”, “sách nhiễu”, “đàn áp” hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Song song với đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi lợi dụng, núp bóng tôn giáo vì các mục đích đen tối. Bên cạnh đa số chức sắc, tín đồ các tôn giáo tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng dân tộc, vẫn còn một bộ phận chức sắc, tín đồ có nhận thức lệch lạc, tiêu cực được sự cổ súy của các thế lực thù địch dẫn đến có cái nhìn sai lệch về chế độ, thậm chí hình thành tư tưởng thù địch, chống đối chính quyền. Không ít hoạt động mang màu sắc tôn giáo trái pháp luật như Hà Mòn, Tân Thiên địa, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ, trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi... Nhằm bảo đảm tính thượng tôn pháp luật, an ninh và an toàn xã hội cũng như đời sống tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, những đối tượng lợi dụng tự do tôn giáo để có các việc làm, hành vi gây rối, làm bất ổn xã hội, thì dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo, cũng đều bị trừng phạt nghiêm khắc theo đúng pháp luật..

Rõ ràng, những thành tựu của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là thực tế không thể phủ nhận. Đáng tiếc là USCIRF và các thế lực thù địch đã tiếp nhận những thông tin không đầy đủ, không chính xác và thiếu khách quan về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam để cố tình “đổi trắng thay đen”.

 Bài cuối: Minh bạch thông tin là nền tảng tạo dựng niềm tin

Phương Hồ (TTXVN)
Quyền con người: Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép - Bài 1: Sự ngụy tạo không thể phá hoại bức tranh toàn cảnh
Quyền con người: Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép - Bài 1: Sự ngụy tạo không thể phá hoại bức tranh toàn cảnh

Các thế lực thù địch luôn sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do Internet như một “chiêu bài” hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, thực tế cho thấy những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ngày càng được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN