Thủ đoạn của các đối tượng chống phá không phải là vấn đề mới, vẫn là những câu chuyện “té nước theo mưa”, cóp nhặt, lắp ghép thông tin vô căn cứ, xuyên tạc sự thật nhằm bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hòng làm lung lay niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Có chăng mức độ nguy hiểm của thủ đoạn này đang gia tăng nhờ vào sự lan truyền nhanh chóng của thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và các trang tin phản động - chuyên phát tán tin giả, tin sai sự thật, tin không được kiểm chứng, tin xấu độc.
Ngay như tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, trong khi kết quả thu được đã làm nức lòng người dân cả nước, thể hiện nỗ lực và quyết tâm bền bỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng của cả hệ thống chính trị, thì các thế lực thù địch lại lái cuộc chiến chống “giặc nội xâm” này theo hướng “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe cánh”…
Hay như trong vụ án Việt Á, các trang mạng, các diễn đàn bất mãn suốt ngày tung tin đồn đoán vô căn cứ về “trùm cuối”. Hết lãnh đạo cấp cao này được nêu tên, lại đến lãnh đạo cấp cao khác, rồi người thân của lãnh đạo cấp cao cũng được điểm danh trong các “thông tin mật”, “nguồn tin riêng” của chúng, hòng trả lời cho một thứ bánh vẽ: Phải có một quyền lực đứng đằng sau chỉ đạo, điều khiển vụ việc này. Hình ảnh và thông tin liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta bị chúng bóp méo, xuyên tạc, thêm thắt cứ như là chuyện đúng rồi. Thậm chí, có những thông tin xấu độc còn nhân cơ hội này công kích, làm vấy bẩn chủ trương, chính sách nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta là “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Cho dù thế nào, đây cũng cần được nhận diện là thủ đoạn tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” của các thế lực chống phá. Từ chuyện không có, chúng bịa đặt thành những “sự thật” ở Việt Nam, tất cả đều nhằm mục đích gây nhiễu loạn thông tin hòng thực hiện mưu đồ làm rối loạn lòng dân, gây bất ổn định tình hình chính trị - xã hội của đất nước, từ đó rình rập cơ hội để phá hoại đất nước, phá hoại chế độ.
Thực tế công cuộc phòng, chống tham nhũng đã cho thấy quyết tâm xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”, không ngoài mục đích: Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Có lẽ chưa bao giờ cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực lại đạt được những kết quả cụ thể và được toàn dân “tiền hô hậu ủng” như hiện nay. Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai, nếu sai phạm đều bị xem xét xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, nhân ái, có lý, có tình. Không ai muốn hạ bệ đồng chí của mình cả, mà đây là việc phải “cắt bỏ một vài cành sâu mọt để cứu cả cái cây”, chứ không phải là chuyện “thanh trừng” như các thông tin xấu độc lan truyền.
Liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, những tập thể, cá nhân đã bị khởi tố, điều tra thì cần chờ kết quả từ các cơ quan chức năng. Đừng làm thay các cơ quan tư pháp và không ai có thể đứng trên Hiến pháp, pháp luật. Ai sai, ai đúng và sai đến đâu thì sẽ có pháp luật phán xét. Mọi quy kết, quy chụp hay suy diễn đều vi phạm pháp luật; “cào bàn phím” lan truyền thông tin sai sự thật cũng vậy. Chưa kể, nhiều thông tin bịa đặt thô thiển thì hiện nay đều bị người đọc, người xem “ném đá” ngay lập tức, thành ra định lèo lái dư luận mà cuối cùng lại chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”, càng ra rả đăng đàn thì càng lâm vào ngõ cụt.
Tất nhiên, trên thực tế vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ nên vẫn có kẽ hở để các đối tượng chống phá nhắm vào để tiếp tục mưu đồ công kích, bôi nhọ Đảng và Nhà nước. Mặt khác, qua hơn 35 năm đổi mới, dù những thành tựu đạt được là rất đáng ghi nhận và tự hào, nhưng Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, là nước đi sau, nên mọi thành quả mới chỉ là bước đầu. Chúng ta vẫn đang từng ngày phải khắc phục hạn chế, tận dụng và tiếp thu có chọn lọc những thành tựu phát triển văn minh của thế giới để bồi đắp nền tảng cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cũng vì thế, khó tránh khỏi sự chống phá luôn ăn bám, ký sinh vào chúng ta như một thứ ung nhọt cần loại bỏ.
“Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi”. Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển của mỗi đất nước có thể có những cung bậc thăng trầm, có gian nan thử thách và có cả những kẻ “chọc gậy bánh xe”. Điều quan trọng là chúng ta đang đi đúng hướng và kiên định con đường đã chọn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, đó là: “… con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
Việt Nam đang trên đà cất cánh hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI này, đất nước đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, cuộc sống của người dân đang từng bước được nâng lên trong mục tiêu phát triển bền vững…, tất cả đều dựa trên nền tảng là sự ổn định về chính trị - xã hội, dựa vào đường lối xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Không phải ngẫu nhiên khi mới đây Việt Nam duy trì vị trí trong Top 50 quốc gia hòa bình nhất thế giới năm 2022 (xếp thứ 44, tăng 6 bậc so với năm 2021), theo báo cáo của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP). Đó chính là sự đáp trả đanh thép nhất đối với những mưu đồ lăm le phá hoại đất nước ta.