Do tăng trưởng khá nên quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh, năm 2016 là 4,6 triệu tỷ đồng, năm 2018 là 5,5 triệu tỷ đồng, quy mô nền kinh tế là 240,5 tỷ USD, gấp 1,3 lần so với năm 2015.
Bình quân đầu người suýt soát 2.600 USD/người, tăng gần 200 USD so với năm 2017. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên TTXVN về những tín hiệu vui này.
Hơn nửa nhiệm kỳ đã qua, có thể thấy con số tăng trưởng của Việt Nam ngày càng tăng cao. Năm 2018, Quốc hội giao mức tăng trưởng là 6,7% nhưng con số đạt được đã vượt xa, lên tới 7,08%, cao nhất trong 11 năm qua. Chúng ta đặt ra vấn đề tăng trưởng nhanh và bền vững, con số tăng trưởng nhanh đột biến này có “nóng” quá không, thưa Phó Thủ tướng?
Tăng trưởng mà nợ công giảm đi, tín dụng giảm xuống, khả năng chống chịu tốt hơn là tốt, không có gì là “nóng”. Thực tế dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn còn hạn chế. Tăng trưởng này chủ yếu là do tổ chức thực hiện, khai thác các nguồn lực đang có.
Tăng trưởng của năm 2018 có đặc điểm là toàn diện cả về cung và cầu. Về cung, thể hiện ở 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đều tăng khá. Trong đó, động lực chính của tăng trưởng năm 2018 vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,98%) và dịch vụ (tăng 7,0%).
Có điều ít người nói, tuy động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ, nhưng nhân tố làm tăng trưởng năm 2018 cao hơn năm 2017 chính là nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Bằng chứng là nông nghiệp tăng 3,76%, cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Thời xưa, nông nghiệp chúng ta “thò tay vào túi” cũng tăng trưởng khoảng 3,5 - 4%, nhưng thời kỳ đó ta còn quảng canh, tăng chủ yếu do mở rộng diện tích và quy mô kinh tế nông nghiệp còn nhỏ.
Khai khoáng năm 2017 giảm mạnh 7,16%, năm 2018, tốc độ giảm ít hơn, là 3,11%. Tốc độ giảm chậm lại của khai khoáng và tăng kỷ lục của nông nghiệp chính là hai yếu tố làm cho tăng trưởng của 2018 cao hơn dự báo và cao hơn 2017.
Năm 2018 có xu hướng rất tốt. Ngoài tăng trưởng cao, chất lượng tăng trưởng cũng cải thiện rõ rệt. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, thể hiện qua con số đóng góp của chỉ số TFP (nhân tố năng suất tổng hợp) đạt khoảng 40,23%, trong khi cả giai đoạn 2011 – 2015 chỉ 33,58%.
Hay chỉ số về tín dụng, năm 2016 để có 1% tăng trưởng GDP, chúng ta cần tới 2,94% tăng trưởng về tín dụng. Năm 2017, chỉ số này chỉ còn 2,68% và năm 2018, số phần trăm tăng trưởng tín dụng đóng góp vào GDP chỉ còn dưới 2%.
Năm qua, tốc độ tăng trưởng gấp đôi tốc độ lạm phát nên tăng trưởng càng có ý nghĩa. Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta nên nới chỉ số lạm phát ra 5-6% để kích thích tăng trưởng, tôi cho là không thuyết phục. Chúng ta vừa lo tăng trưởng kinh tế, vừa phải củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong rất nhiều cuộc họp, đặc biệt là khi họp về giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, xử lý các đại dự án yếu kém, Phó Thủ tướng thường xuyên sử dụng cụm từ "rất sốt ruột", phải chăng Phó Thủ tướng đang chịu những áp lực?
Sốt ruột là vẫn còn tình trạng trên bảo dưới không nghe, trên nóng, dưới lạnh. Sốt ruột là có anh làm rất nhanh, nhưng có anh làm rất chậm. Sốt ruột về tổ chức thực hiện. Không đạt được mục tiêu, Chính phủ sốt ruột là đúng rồi.
Mục tiêu đặt ra là giải ngân đạt 100% nhưng cao nhất năm nay cũng chỉ đạt trên 90% thôi.không đạt mục tiêu thì quá sốt ruột chứ không chỉ là sốt ruột. Càng giải ngân sớm, hiệu quả đầu tư công càng cao.
Một đồng vào đầu năm khác với một đồng vào cuối năm. Việc tổ chức thực hiện phải xem xét lại, nhiều vấn đề cần phải tính toán thêm. Một điểm yếu hiện nay nữa là cổ phần hóa, thoái vốn chậm, nhất là ở các bộ, ngành và địa phương trọng điểm.
Phải nói là không ít lần Phó Thủ tướng bức xúc với một số đại diện các bộ, ngành vì sự trì trệ hay chệch choạc. Theo Phó Thủ tướng, sự trì trệ hay chệch choạc này bắt nguồn từ đâu và Chính phủ phải làm gì để khắc phục tình trạng đó?
Có lúc volume tăng hơi to chút thôi, cũng không phải là bức xúc gì. Nhưng đúng là trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí trong Thường trực Chính phủ rất thẳng thắn phê bình những tổ chức, tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc chậm thực hiện những kết luận, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đó là cái cần thiết trong chỉ đạo điều hành và đúng tinh thần là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Qua những lần kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc cụ thể như thế, đội ngũ cán bộ, công chức các ngành cũng có chuyển biến tích cực. Bằng chứng là nhiều đề án, nhiều công việc của các bộ, các ngành qua kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tỷ lệ hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức ngày càng tăng lên.
Số lượng chưa hoàn thành giảm đi và hiệu lực thực thi công vụ cũng tốt hơn. Chuyển động nhiều nên mới có được kết quả như thế, nhất là liên quan đến hoàn thiện pháp luật và thể chế về giải ngân vốn đầu tư công. Chúng ta đang xoay đúng hướng, kể cả vấn đề sửa đổi thể chế và tổ chức thực hiện.
Năm 2019, Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nhấn mạnh phải tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; khắc phục tình trạng trì trệ, quá thận trọng, giữ mình… để bứt phá vươn lên, hoàn thành tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Năm 2018 đã qua, Phó Thủ tướng còn thấy điều gì không hài lòng và cần phải tiếp tục đốc thúc trong năm 2019?
Nói chung, chúng ta có thành công lớn trong năm 2018, về tất cả các phương diện, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực sự mà nói, trong các báo cáo của Chính phủ, cũng như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hay Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định là năm 2019 và những năm tiếp theo nước ta còn đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.
Một mặt là những yếu kém tồn tại tích tụ lâu dài trong nền kinh tế, không phải ngày một, ngày hai có thể khắc phục được. Bên cạnh việc tạo ra những năng lực sản xuất mới, chúng ta còn phải tiếp tục làm nhiệm vụ nữa, đó là cắt bỏ những năng lực sản xuất dư thừa, mà thực tế là những năng lực sản xuất yếu kém, thua lỗ, những năng lực sản xuất đã “chết lâm sàng” rồi, phải tiếp tục làm mạnh hơn ở lĩnh vực này. Mặt khác, tạo ra năng lực sản xuất mới.
Kinh tế thế giới, nhất là tình hình tài chính khu vực và thế giới còn biến động rất bất thường, cạnh tranh thương mại, chiến tranh thương mại, cọ xát chiến lược giữa các nước lớn, các nền kinh tế lớn đang diễn ra rất gay gắt, diễn biến khó lường.
Nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn, cho nên những thách thức phía trước là không nhỏ. Chúng ta phải nỗ lực cố gắng rất nhiều, triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp và làm chắc chắn từng bước một, không được chủ quan, thỏa mãn, mới có thể hy vọng hoàn thành và hoàn thành được toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2019.
Thứ nhất, vấn đề chung nhất là điều hành vĩ mô. Các bộ, ngành về kinh tế tổng hợp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương cần phải chủ động hơn, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, chủ động đề xuất, không để Chính phủ, Thủ tướng rơi vào tình trạng bị động và bất ngờ.
Luôn luôn coi củng cố nền tảng vĩ mô là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhất là trong điều kiện hiện nay. Tập trung khắc phục những yếu điểm đã chỉ ra trong năm 2018 cũng như những năm trước, đó là vấn đề hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công. Phải quyết liệt tổ chức thực hiện để triển khai mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ hai, đối với lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, phải tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thực sự - tôi nói là thực sự - cắt giảm điều kiện kinh doanh, điều kiện kiểm tra chuyên ngành thực chất hơn nữa, không “đẻ” ra những điều kiện kiểm tra chuyên ngành, những giấy phép con mới và đặc biệt là phải rút ngắn khoảng cách giữa quy định của pháp luật trên các văn bản giấy tờ với thực thi trên thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển, đặc biệt là kinh tế tư nhân thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đây là vấn đề rất thách thức.
Thứ ba là đẩy mạnh cải cách, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước một cách thực chất hơn; thoái vốn, sắp xếp, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương, địa bàn trọng điểm.
Vấn đề bao trùm nữa là đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tôi rất mong muốn năm 2019 phải tạo ra bước bứt phá, đột phá trong việc áp dụng những mô hình kinh doanh mới, những phương thức mới trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng, đặc biệt là khắc phục chậm trễ trong ban hành các thể chế. Nếu chưa có, chúng ta có thể hoàn toàn thí điểm, như thanh toán mới, fintech, ngân hàng số và đừng có vì lợi ích hay thói quen tư duy cũ để mà níu kéo, cản trở sự phát triển.
Ví dụ như việc thanh toán, không nhất thiết ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng. Thế giới có những mô hình kết nối khác, ngoài tài khoản ngân hàng còn có tài khoản khác, ví dụ kết nối với tài khoản viễn thông. Chúng ta phải làm được việc đó. Tất nhiên việc này nằm ngoài phạm vi của Ngân hàng Nhà nước, nhưng phải vì lợi ích chung của nền kinh tế mà Ngân hàng nhà nước thiết lập thể chế, hệ sinh thái để tổ chức triển khai.
Theo Phó Thủ tướng, sự chậm trễ trong thực hiện thanh toán điện tử ngoài tư duy truyền thống, liệu có còn có những nguyên nhân như vì muốn che đậy tài sản bất minh hay những nguồn thu nhập không rõ ràng, do tham nhũng mà có, đã ảnh hưởng để tư duy thay đổi và muốn níu kéo cách làm truyền thống?
Cái đấy thì không hẳn. Nhưng rõ ràng, nếu chúng ta mở rộng áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, chắc chắn nền kinh tế minh bạch hơn, nhất là khu vực kinh tế chưa được quan sát, khu vực kinh tế phi chính thức. Điều này sẽ góp phần vào công cuộc phòng chống tham nhũng và lãng phí.
Việc áp dụng các mô hình thanh toán mới phụ thuộc nhiều vào đổi mới tư duy và từ bỏ lợi ích cục bộ của từng ngành vì cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện nhu cầu, cách mạng về tư duy đổi mới hơn là cách mạng về công nghệ. Trong thế giới phẳng, công nghệ hoặc công nghệ tài chính (fintech) ai cũng có thể có và có thể áp dụng được.
Vấn đề quan trọng là tư duy, nhìn nhận những mô hình đó như thế nào, nhất là những cái mới phải tạo điều kiện cho nó ra đời. Một hệ sinh thái khởi nghiệp có rất nhiều vấn đề, nhưng đi đầu là vấn đề hệ thống luật pháp, khung khổ thể chế, chính sách. Nếu không có hệ thống khung khổ thể chế, không thể tạo ra hệ sinh thái. Sau đó là các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, kết nối dữ liệu và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Đây là các vấn đề đồng thời phải làm nhưng trước hết là về thể chế, các bộ, các ngành phải tiên phong trong việc này. Chúng ta đã nói rất nhiều trong cách mạng 4.0, bây giờ là lúc phải hành động. Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử là “nghĩ lớn, tầm nhìn dài hạn, hành động mau lẹ, khẩn trương, những việc nhỏ nhưng có hiệu quả phải làm ngay”.
Có thể nói trong cách mạng 4.0, công nghệ thông tin, kinh tế số, Chính phủ điện tử là lĩnh vực Việt Nam rất có tiềm năng, vì nó liên quan đến “nguồn vốn” con người, không quá phụ thuộc vào nguồn lực tài chính.
Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!