Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, sáng 22/6 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới đã khai mạc tại thủ đô Paris. Hội nghị có sự tham dự của trên 100 lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia, nhiều lãnh đạo cấp chính phủ và bộ trưởng, lãnh đạo các tổ chức quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và đông đảo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức chính trị-xã hội.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận biện pháp xây dựng tầm nhìn mới cho hệ thống tài chính toàn cầu, thúc đẩy hợp tác trong nhiều chủ đề thiết thực như hỗ trợ các nước đang phát triển có mức nợ cao, huy động tài chính tư nhân tham gia công cuộc hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi năng lượng, thực hiện các mục tiêu về khí hậu, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh việc không thể có sự lựa chọn giữa xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu khí hậu, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu phải hướng đến xử lý đồng bộ những mục tiêu này. Trong khi đó Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng cấu trúc tài chính toàn cầu đã “hết hạn sử dụng, không hiệu quả và không công bằng”, đòi hỏi phải sớm tiến hành cải cách, đồng thời triển khai Gói kích thích SDG (SDG Stimulus) với mục tiêu dành 500 tỷ USD hàng năm để đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững và các hành động khí hậu. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, hợp tác, cùng phối hợp trong xây dựng hệ thống tài chính toàn cầu bao trùm, minh bạch, lấy con người làm ưu tiên, lắng nghe tiếng nói của các nước đang phát triển và kém phát triển, những cam kết cần phải triển khai kịp thời bằng hành động cụ thể.
Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tầm nhìn mới trong cải cách hệ thống tài chính toàn cầu và các ngân hàng phát triển đa phương, đề xuất những giải pháp tiên phong trong quá trình cung cấp tài chính cho phát triển, huy động các nguồn lực mới từ khu vực tư nhân dành cho phát triển bền vững.
Nhân dịp dự lễ khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch WB Ajay Banga, Bộ trưởng Phát triển quốc tế Canada Harjit Singh Sajjan và Bộ trưởng Chính sách và Hợp tác phát triển khí hậu toàn cầu Đan Mạch Dan Jorsengen.
Tại cuộc tiếp xúc với ông Banga, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chúc mừng ông đảm nhận trọng trách Chủ tịch WB và mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác ODA, triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng và nâng cao năng lực.
Tại cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Canada Harjit Singh Sajjan, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhiều mặt trong quan hệ song phương suốt 5 thập kỷ qua, quan hệ Đối tác toàn diện ngày càng lớn mạnh; khẳng định phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các dự án hợp tác phát triển, mở ra cơ hội mới cho đầu tư, kinh doanh. Bộ trưởng Sajjan đề nghị tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng.
Tại cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Chính sách và Hợp tác phát triển khí hậu toàn cầu Đan Mạch Jorsengen, hai bên thảo luận các biện pháp triển khai hiệu quả Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), sớm chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược Xanh nhằm nâng tầm quan hệ song phương và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam thường trú tại Pháp. Phó Thủ tướng đã trao đổi những diễn biến tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, giúp anh chị em đại diện ở Pháp hiểu sâu hơn, rõ hơn những vấn đề của đất nước hiện nay trong sự phát triển nói chung, cũng như trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và mục tiêu đóng góp của Việt Nam tại hội nghị này. Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn đội ngũ cán bộ ngoại giao, cũng như đại diện các cơ quan và báo chí Việt Nam tại Pháp phát huy vai trò của mình để trở thành những nhà ngoại giao, những nhà truyền thông về biến đổi khí hậu, biết học tập và tiếp thu tinh hoa thế giới để đưa về phục vụ đất nước, đúc kết những bài học thất bại của thế giới để Việt Nam rút kinh nghiệm, vận động và tận dụng nguồn nhân tài thế giới để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, phát huy vai trò làm cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như trong các lĩnh vực khác.