Phát biểu tại lễ khai mạc Asia Tech X Singapore 2023, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cho rằng an ninh mạng, kết nối và sử dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những ưu tiên kỹ thuật số chính cần được giải quyết. Ông cũng cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng gấp 5 lần lên 1.000 tỷ USD đến năm 2030, với động lực thúc đẩy là những người dùng Internet mới và tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Trong khi đó, Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia, một trong những quốc gia châu Âu có nền kinh tế tiên tiến nhất về kỹ thuật, kêu gọi chia sẻ không gian kỹ thuật số thông qua hợp tác và an ninh mạng. Từ năm 2020, nước này đã tăng gần gấp đôi ngân sách hằng năm cho đảm bảo an ninh mạng. Ông đồng thời kêu gọi các quốc gia khác cân nhắc làm điều tương tự trong bối cảnh môi trường an ninh thay đổi nhanh chóng.
Tham dự Phiên họp bàn tròn cấp bộ trưởng về quản trị AI và lừa đảo trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Văn Tuyến đã có bài phát biểu với chủ đề: “Hợp tác quốc tế nhằm xây dựng lòng tin trong thời đại kỹ thuật số”, trong đó khẳng định: “Những thách thức về an ninh mạng ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, nguy hiểm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh”.
Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cũng đánh giá các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày nay thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, triệt để sử dụng các dịch vụ, công cụ, ứng dụng, phần mềm, virus, mã độc mới để thực hiện hành vi phạm tội hết sức tinh vi, nguy hiểm, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho lực lượng thực thi pháp luật.
Từ tình hình đó, Thứ trưởng Lê Văn Tuyến đưa ra các giải pháp đóng góp để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói chung và tội phạm lừa đảo trực tuyến nói riêng trong thời gian tới. Trong đó, Việt Nam và Singapore cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới cần nỗ lực thúc đẩy việc thống nhất nhận thức và hành động, nhất là trong việc xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung; tiếp tục duy trì, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; thiết lập cơ chế phối hợp, hợp tác nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao; tăng cường hợp tác công tư trong đấu tranh, phòng chống tội phạm lừa đảo trực tuyến; đẩy mạnh các chương trình, hoạt động hợp tác đào tạo; phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tội phạm rửa tiền, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số; xử lý thông tin xấu độc; bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam đã có buổi tiếp xúc bên lề với ông Chng Kai Fong, Bí thư Thường trực Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore (Thứ trưởng Thường trực); thăm, làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, có buổi làm việc với Hội đồng Bảo vệ dữ liệu cá nhân (PDPC), thuộc Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA) Singapore.
Tại triển lãm Asia Tech X Singapore 2023, đoàn Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam cùng khoảng 25 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực này đã tham gia gian hàng triển lãm nhằm giới thiệu các mặt hàng công nghệ tiên tiến đến khoảng 800 lượt đối tác quốc tế tham quan, tìm hiểu. Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Mai Phước Dũng đã đến thăm khu vực triển lãm của Việt Nam tại sự kiện và thúc đẩy kết nối các cơ hội hợp tác phát triển nhân dịp này.
Theo số liệu của IMDA, nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và số hóa trong các ngành khác, đã tăng trưởng, đóng góp 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore vào năm 2022. Chỉ riêng lĩnh vực ICT, bao gồm phát triển phần mềm và dịch vụ trực tuyến, đã tăng 8,6% trong năm ngoái, so với mức tăng trưởng 3,6% của toàn bộ nền kinh tế.