Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Công chức không hiểu biết, đọc quy định mà hiểu sai cũng là nhũng nhiễu

"Muốn thu hút được đầu tư, chúng ta phải cải cách hành chính", đây là khẳng định của bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tại Hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức ngày 25/5.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Thanh Sử/TTXVN

Đụng tới đất đai, càng làm nhanh thì tính nguy hiểm càng cao

Là tỉnh có Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) cũng như Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) năm 2020 ở mức không cao nhưng năm 2021, Bạc Liêu đã nỗ lực để trụ hạng và cải thiện được một phần thứ hạng. Trong Chỉ số cải cách hành chính, Bạc Liêu đứng thứ 44/63 với kết quả đạt 85,92%, cải thiện 2 bậc so với năm trước, đứng thứ 6 vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Còn Chỉ số hài lòng của người dân được cải thiện được 9 bậc, từ 41 lên 32.

Xét theo chỉ số thành phần “Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Bạc Liêu ở vị trí thứ 18, cùng với Bến Tre. Nếu so với Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ số này Bạc Liêu đứng ở vị trí thứ nhất. Về mức độ thu hút đầu tư, Bạc Liêu được số điểm tối đa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân chia sẻ, trong cải cách hành chính, có những lúc Bạc Liêu ở Top 20, cũng có lúc lại ở thứ hạng gần chót, cho thấy để giữ vững được chỉ số này rất khó khăn, chỉ cần lơ là trong một điều kiện nhất định là trở lại con số 0. Do vậy, Bạc Liêu tìm ra những hạn chế, phân tích sâu sắc nội dung nào không làm hài lòng các tổ chức, cá nhân để cải thiện dần và trụ hạng...

Bà Cao Xuân Thu Vân thông tin thêm, có những thủ tục Bạc Liêu cải thiện tới 80% về thời gian. Còn về hồ sơ, rất khó rút gọn được, vì nếu rút gọn, bỏ bớt là vi phạm pháp luật. Về thời gian thực hiện thủ tục, cần hết sức lưu ý. Lấy ví dụ từ bộ thủ tục đấu giá đất, bà Vân cho biết, phải qua 3 lần nếu đấu không đạt, ít nhất là 50 ngày, sau đó hoàn tất các thủ tục hồ sơ tại Sở không quá 5 ngày để trình UBND tỉnh. Nếu chỉ trong 1-2 ngày giải quyết xong bộ hồ sơ đó sẽ bị đặt vấn đề vì sao xử lý nhanh. Đụng tới đất đai, đụng tới đấu giá, đụng tới giao đất, càng làm nhanh thì tính nguy hiểm càng cao.

Bảo vệ thì cán bộ mới mạnh dạn cải cách hành chính

Từ câu chuyện trên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho rằng, câu chuyện giữa phát triển kinh tế và giải quyết thủ tục hành chính đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ chứ không phải chỉ là thủ tục. Thành tích hôm nay có thể gây hậu quả hôm sau. Do vậy, phải làm rõ điều này và bảo vệ cán bộ thì cán bộ mới mạnh dạn cải cách hành chính. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chia sẻ câu chuyện trên đường ra Hà Nội dự Hội nghị, có doanh nghiệp đề nghị bà quay về ký ngay văn bản giao đất khiến bà trăn trở, suy nghĩ việc nếu hôm nay mình không giao dất thì doanh nghiệp mất cơ hội về thủ tục vay vốn... Hay câu chuyện bà trao đổi với đại diện Sở Tư pháp tại sao thủ tục kết hôn với người nước ngoài theo quy định 7 ngày mà làm xong, ký xong trước hạn không dám đưa? Rồi bà lý giải, sợ đưa sớm không biết cán bộ mình có vòi vĩnh người ta hay không?

Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết, Bạc Liêu nhận thấy nếu không làm là bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư nên có những bộ thủ tục các ngành cùng làm, địa phương cùng làm một lượt, thành lập một tổ để giải quyết thủ tục. Hồ sơ được chuyển giải quyết từng bước. Từ cách làm đó, địa phương đã cải thiện về thời gian thực hiện nhưng vẫn tuân thủ đầy đủ thủ tục, không thiếu nội dung nào.

Tỉnh Bạc Liêu cũng cố gắng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, người dân có điều kiện tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại, còn Bạc Liêu có tới 70% dân số làm nông nghiệp. Người dân có thói quen đến gặp mặt mới “chắc ăn”, không đến tận nơi không biết hồ sơ có tới tay cán bộ hay không, không tin vào công nghệ.

“Vậy là chúng tôi vẫn để người dân mang hồ sơ đến nhưng thành lập 1 tổ, có máy tính, cán bộ làm các thao tác nộp hồ sơ thay cho người dân để lần thứ hai họ quen. Khi Trung tâm hành chính công của tỉnh cải thiện được rồi, chúng tôi thành lập đội thanh niên tình nguyện để giúp người dân”, bà Vân chia sẻ cách làm của địa phương.

Hiện Trung tâm hành chính công của tỉnh còn tiếp nhận ít hồ sơ, hồ sơ phân cấp rất nhiều về huyện, xã nhưng không thể bổ sung cán bộ vì vấn đề biên chế rất khó khăn. Trong cải cách hành chính sắp tới, cấp xã là nơi liên quan nhiều nhất, người dân không hài lòng nhiều nhất, cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn chủ yếu cũng ở đó. Khi cải cách hành chính phải lưu ý chất lượng cán bộ cấp xã, cần mạnh dạn cải tiến ngay ở xã chứ không phải trung tâm hành chính của tỉnh.

Cải cách hành chính phải từ cái tâm của người cán bộ

Nhấn mạnh đến việc phải cải cách hành chính mạnh, đồng bộ các thủ tục, có sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị, bà Cao Xuân Thu Vân khẳng định, cải cách hành chính phải từ cái tâm, từ cách nhìn của người cán bộ. Bạc Liêu lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá hoạt động và đưa vào chỉ tiêu thi đua; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ thực thi công vụ bởi cán bộ, công chức không hiểu biết các quy định, đọc quy định mà hiểu sai cũng là một thứ nhũng nhiễu chứ không phải cứ đòi tiền mới là nhũng nhiễu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhũng nhiễu này là mất thời gian nhất, mà mất thời gian là mất tiền, mất cơ hội. Chúng ta thường ít đánh giá việc này, chỉ xét xử lý khía cạnh nhũng nhiễu tiền bạc mà không xử lý việc cán bộ thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu những lớp bồi dưỡng thực chất như thế. Muốn có thực chất, chúng tôi cho khảo sát để xem cán bộ đang cần gì để tập huấn ngay những việc đó.

Để đẩy mạnh cải cách hành chính trong giai đoạn tới, tỉnh Bạc Liêu xác định phải tăng cường rà soát, nhập toàn bộ dữ liệu, công khai minh bạch trên mạng, xem đó là tài nguyên để giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cán bộ để nhận thức rõ vấn đề và có kỹ năng; rà soát, cắt giảm những thủ tục không phù hợp hoặc kiến nghị về Trung ương để cắt giảm.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, cải cách hành chính là một trong những nội dung quan trọng, thường xuyên, liên tục. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành phải nhận thức, xác định cải cách hành chính luôn là khâu khởi điểm không có kết thúc, nếu cho rằng kết thúc thì năm sau sẽ tụt hạng. Lúc nào cũng phải nghĩ mình đang bắt đầu vào đường chạy, phải có đầy đủ sức khỏe để tham gia vào cuộc đua để từ đó chúng ta cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ hài lòng của người dân. Nếu 3 việc này không đồng hành thì không đạt được hiệu quả thực chất.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Cải cách hành chính, đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương
Cải cách hành chính, đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương

Ngày 25/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN