Phát triển báo đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt “Đề án phát triển một số báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia của Thông tấn xã Việt Nam” đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu VietnamPlus trở thành 1 trong 5 báo điện tử có lượng truy cập cao nhất từ nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN hướng dẫn Đoàn Hãng thông tấn KPL Lào đi thăm Báo điện tử Vietnamplus, ngày 7/12/2016. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đề án cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, báo in Việt Nam News, tạp chí in Báo ảnh Việt Nam và báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam phát triển thành các báo in và báo điện tử đối ngoại quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới; hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, báo in Việt Nam News phát triển tăng số lượng và chất lượng tin, bài chuyên sâu và các chuyên trang, chuyên mục; đảm bảo chất lượng thông tin và đạt hiệu quả cao về tuyên truyền đối ngoại; phát triển báo in dưới dạng điện tử (e-paper) để hỗ trợ và từng bước thay thế dần việc phát hành báo giấy; mở rộng đối tượng bạn đọc nước ngoài truy cập trang thông tin điện tử Việt Nam News từ 150 nước hiện nay lên 190 nước.

Cùng với đó, mở rộng địa bàn thông tin đối ngoại của tạp chí in Báo ảnh Việt Nam nhằm tăng cường sự hiện diện, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến độc giả quốc tế; tăng phát hành miễn phí tạp chí in Báo ảnh Việt Nam từ 140 nước lên 160 nước, trước mắt ưu tiên độc giả vùng biên giới Việt Nam với Lào, Trung Quốc và các nước khu vực Mỹ Latinh.

Đối với báo điện tử VietnamPlus, xây dựng phiên bản tiếng Nga trên báo điện tử VietnamPlus nâng tổng số ngữ của Báo lên thành 6 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga); nâng cao chất lượng biên tập, biên dịch trên báo điện tử VietnamPlus; phấn đấu trở thành báo điện tử tích hợp nhiều loại hình thông tin nhất, đi đầu về ứng dụng các công nghệ mới vào quy trình sản xuất thông tin điện tử, đáp ứng yêu cầu của độc giả.

Từ năm 2020 đến năm 2030, phát triển thêm các ngữ mới: Tiếng Pháp, tiếng Khmer và tiếng Nga trên Báo ảnh Việt Nam (bản in); tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc và tiếng Đức trên báo điện tử VietnamPlus. Các báo in cơ bản chuyển sang phát hành dưới dạng điện tử (e-paper), tiếp tục đẩy mạnh các trang thông tin điện tử; mở rộng địa bàn truy cập của các báo đến các khu vực trọng điểm trên thế giới, các nước lớn với lượng truy cập tăng cao hơn giai đoạn trước.


Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là Thông tấn xã Việt Nam phải nâng cao số lượng và chất lượng thông tin đối ngoại, thông tin kịp thời, có sức thuyết phục về tình hình đất nước và con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng và tăng cường số lượng, chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phù hợp với đặc thù của từng địa bàn, nhu cầu của từng nước và theo lĩnh vực để thu hút độc giả; tăng cường sử dụng chuyên gia nước ngoài có chuyên môn, trình độ ngôn ngữ báo chí để nâng cao chất lượng biên tập, biên dịch và tăng lượng thông tin đối ngoại viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài để phù hợp văn phong, ngôn ngữ và hấp dẫn độc giả; tăng cường sản xuất các sản phẩm thông tin đa phương tiện theo xu hướng báo chí mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ số, bao gồm cả cung cấp thông tin lên các trang mạng xã hội để thu hút độc giả.

TTXVN/Báo Tin Tức
Nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam
Nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam

Chiều 27/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại Trung ương do đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, làm trưởng đoàn đã làm việc với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về việc triển khai xây dựng, phát triển một số báo in, báo điện tử đối ngoại quốc gia của TTXVN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN