Palestine chuẩn bị bước vào cuộc chiến pháp đình

Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo, công nhận quy chế nhà nước quan sát viên cho Palestine hầu như không hình thành sức nặng đáng kể nào trên chính trường thế gới, nhưng có thể tạo sự khác biệt trong các tòa án quốc tế.


Quân đội Israel luôn bị cáo buộc phạm tội ác với thường dân Palestine. Ảnh: Internet


Quyết định chính thức công nhận tư cách một nhà nước, dù chưa có đầy đủ tư cách thành viên LHQ, cũng đủ để người Palestine nhận được tư cách thành viên của Tòa án tội phạm quốc tế (ICC) có trụ sở tại La Hay (Hà Lan), nơi các nhà nước thành viên có quyền kiện các tội phạm chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại.


Ngay sau khi được nâng cấp quy chế tại LHQ, người Palestine có thể đệ trình ngay hồ sơ trở thành thành viên ICC và có quyền nộp đơn kiện chính phủ Israel và các quan chức nước này về các tội ác chiến tranh. Cái gọi là mối đe dọa “tư pháp quốc tế” từ lâu nay đã cản trở một số nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Israel đi ra nước ngoài, vì lo sợ họ có thể bị bắt giữ như là các tội phạm chiến tranh.


Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) thuộc chương trình nghiên cứu Trung Đông, ông Robert Malley quả quyết: “Người Israel rất lo ngại bị lôi kéo vào tòa án ở La Hay”. Đã từ lâu, chính quyền Palestine có kế hoạch ngay khi được nâng cấp quy chế tại LHQ, sẽ sử dụng tư cách này để gia nhập ICC. Một nhà thương thuyết Palestine từng tiết lộ với ICG rằng chiến lược là này bước “hợp pháp hóa hoặc ngoại giao hóa phong trào Intifada” chống người Israel.


Trong bài phát biểu hồi tháng 9/2012, Tổng thống chính quyền Palestine, Mahmoud Abbas đã cáo buộc đích danh Israel phạm các tội ác chiến tranh. Trong khi đó, các quan chức Israel luôn tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và phản bác rằng mục đích thực chất những lời cáo buộc của phía Palestine là nhằm cô lập Israel.


Hồi năm ngoái, với lời giải thích rằng Palestine chỉ là một thực thể quan sát viên tại LHQ, cựu Trưởng công tố ICC đã bác bỏ một yêu cầu năm 2009 của phía Palestine, đòi truy tố các hành động của Israel trong cuộc chiến Gaza với phong trào Hồi giáo Hamas giai đoạn 2008-2009.


Tuy nhiên, vào tháng 9/2012, tân Trưởng công tố viên ICC Fatou Bensouda cho rằng cuộc bỏ phiếu nâng cấp quy chế Palestine tại LHQ có thể tạo ra sự thay đổi. Trưởng công tố Bensouda nhận định trong cuộc phỏng vấn tại New York (Mỹ) mới đây: “Những gì chúng tôi đã làm là để ngỏ cánh cửa và nói rằng nếu người Palestine vượt qua được rào cản (quy chế nhà nước tại ĐHĐ LHQ), chúng tôi sẽ xem xét lại việc ICC có thể làm được những gì”.


ICC là tòa án quốc tế có thể kết tội các cá nhân. 117 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước Rôma, văn kiện tạo ra tòa án này, có trách nhiệm phải giao nộp các nghi can. Hiện Mỹ và Israel chưa tham gia Công ước Rôma, nhưng điều đó không thể cản trở phía Palestine theo đuổi các vụ kiện theo công ước này. Các trát bắt giữ và phán quyết của ICC vẫn có giá trị về mặt địa chính trị. Việc buộc tội nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi của Libya hồi năm ngoái đã góp phần huy động mọi sự ủng hộ quốc tế cho lực lượng chống đối chống chế độ của ông Gadhafi.


Dĩ nhiên, nếu phía Palestine bước vào cuộc chiến pháp đình này, họ cũng có nguy cơ bị cáo buộc hoặc truy tố tại những tòa án nơi họ bị kiện về hành động tìm diệt người Israel. Chưa có đảm bảo cho bất kỳ phía nào rằng công tố viên ICC sẽ thực hiện các buộc trên. ICC vướng phải những rào cản thủ tục có thể gặp phải trong bất cứ vụ truy tố nào. Một số nhà bình luận cho rằng, cũng giống như các luật sư của bất kỳ cuộc chiến pháp lý nào, cả người Palestine và Israel đều phóng đại những quân bài mà họ đang có trong cuộc tranh cãi mang nhiều tính chính trị hơn.


Và cần phải lưu ý một điều, rằng ICC là một tổ chức mang tính chính trị nhiều không kém tính pháp lý. Vậy nên, những toan tính chính trị có thể chế áp hoàn toàn một vụ kiện mang tính pháp lý.



Trần Long

Phản ứng việc LHQ nâng quy chế cho Palestine
Phản ứng việc LHQ nâng quy chế cho Palestine

Ngày 30/11, sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) bỏ phiếu thông qua nghị quyết nâng cấp quy chế cho Palestine từ thực thể quan sát viên lên nhà nước quan sát viên, người dân Palestine cũng như dư luận nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng bày tỏ hoan nghênh động thái này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN