‘Nóng’ trong tuần: Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố và bắt tạm giam; pate Minh Chay gây liệt cơ hô hấp

Trong tuần qua (từ ngày 24 -30/8), nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề dịch bệnh COVID -19, điểm chuẩn sau kỳ thi tốt nghiệp THPT được quan tâm và thông tin liên tục. Tuy nhiên, bên cạnh đó sự kiện nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tố và bắt tạm giam, pate Minh Chay liên quan đến nhiều ca liệt cơ được dư luận chú ý nhiều nhất.

Khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Chung

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh TTXVN.

Ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh ngày 3/8/1967; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; trú tại số 88 Trung Liệt, phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đang làm rõ hành vi sai phạm của bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố 3 bị can: Nguyễn Anh Ngọc, sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Phạm Quang Dũng, sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bị tạm đình chỉ công tác để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan đến 2 vụ án khác.

Thứ nhất, vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Thứ hai là vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại thành phố Hà Nội.

Pate Minh Chay liên quan đến nhiều ca bệnh liệt cơ

Chú thích ảnh
Ảnh quảng cáo trên mạng.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp tới người dân ngừng sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay bởi liên quan đến nhiều ca bệnh có biểu hiện mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở…

Theo Cục An toàn thực phẩm, từ ngày 13/7 đến 18/8, tại các địa phương đã xuất hiện rải rác 9 ca bệnh có triệu chứng như: Mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở … phải đưa tới điều trị tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai (2 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (5 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh (2 ca).

Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân trên đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) sản xuất và kinh doanh trực tiếp qua mạng, trên Website của công ty. 

Theo kết quả kiểm nghiệm ban đầu, một số sản phẩm “Pate Minh Chay” của các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm khẩn cấp thông báo tới người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới và thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu vẫn còn các sản phẩm của công ty như: Pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi.

Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo, đối với người tiêu dùng đã sử dụng sản phẩm nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như trên cần đến ngay cơ ở y tế gần nhất để được kiểm tra và theo dõi kịp thời

Ngày đầu tiên Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19, kể từ ngày 25/7

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Tính đến 18 giờ ngày 30/8, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19, đây cũng là ngày đầu tiên không có ca bệnh trong đợt dịch mới này. Theo đó, trong 24 giờ qua, Việt Nam giữ nguyên tổng số 1.040 ca; trong đó có 690 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 54.392 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.212 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.103 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 39.077 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 30/8 có thêm 19 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 16 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Huyện hòa Vang là: BN474, BN573, BN683, BN692, BN711, BN767, BN771, BN798, BN808, BN816, BN820, BN884, BN888, BN896, BN940, BN1004 (trong đó, BN767 và BN888 sẽ tiếp tục ở lại bệnh viện để điều trị bệnh lý nền) và 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là: BN739, BN875, BN944.

Trong số các ca bệnh đang điều trị, số ca âm tính với vi rút SARS-CoV-2 lần 1 là 40 ca, lần 2 là 48 ca, lần 3 là 27 ca. Ngoài ra, Việt Nam đã ghi nhận 32 ca tử vong do COVID-19, số ca điều trị khỏi là 695 ca.

Công bố kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Chú thích ảnh
Thí sinh thực hiện nghiêm túc quy chế thi và quy định về phòng, chống COVID-19. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Sáng 27/8, ngay sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả phân tích phổ điểm của từng môn thi và phổ điểm của một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020.

Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xác định ngưỡng điểm xét tuyển. Các thí sinh, phụ huynh có thể căn cứ vào điểm từng môn thi và tổ hợp xét tuyển để đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp.

Cụ thể, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Toán của cả nước năm 2020 cho thấy, có 845473 thí sinh tham gia thi bài thi Toán, trong đó điểm trung bình là 6,68 điểm, điểm trung vị là 7 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,8 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 195 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 153367 (chiếm 18%); có 273 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Ngữ văn có 830764 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 6,62 điểm, điểm trung vị là 6,75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 119 (chiếm 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75779 (chiếm 9%); có 2 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Vật lí có 286847 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 6,72 điểm, điểm trung vị là 7 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 39; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 37140 (chiếm 13%); có 10 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Hóa học có 289066 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 6,71 điểm, điểm trung vị là 7 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 38 (chiếm 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 44766 (chiếm 15,49%); có 399 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Sinh học có 284063 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 5,59 điểm, điểm trung vị là 5,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5,25 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 43 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 85715 (chiếm 30,17%); có 121 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Lịch sử có 553987 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 5,19 điểm, điểm trung vị là 5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,5 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 111 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 260074 (chiếm 46,95%); có 371 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Địa lí có 540775 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 6,78 điểm, điểm trung vị là 7 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,25 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 133 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 33606 (chiếm 6,21%); có 248 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Giáo dục công dân có 469587 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 8,14 điểm, điểm trung vị là 8,25 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 41; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5152 (chiếm 1,10%); có 4163 thí sinh đạt điểm 10.

Môn Tiếng Anh có 749285 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm trung vị là 4,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 543 (chiếm 0,07%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 472990 (chiếm 63,13%); có 225 thí sinh đạt điểm 10.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Niềm tin và kỳ vọng tự chủ vắc xin &#39;made in Việt Nam&#39;
Niềm tin và kỳ vọng tự chủ vắc xin 'made in Việt Nam'

Tròn 75 năm sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, nền y tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu. Đặc biệt, trong giai đoạn gần đây, Việt Nam đã kiểm soát tốt và chiến thắng nhiều bệnh dịch, là một trong ít quốc gia có khả năng sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người, được thế giới đánh giá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN