Đẩy nhanh việc cấp thị thực cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Chiều 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ với một số địa phương, bộ, ngành theo hình thức trực tuyến về các giải pháp phòng chống COVID-19.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nêu kết quả điều tra xã hội học mới đây của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, 97% số người dân được hỏi bày tỏ đồng tình, ủng hộ chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đã thực hiện thời gian vừa qua.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát một bước, giúp xã hội có niềm tin với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh đó, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động sản xuất, giải quyết vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống, an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nguy cơ xuất hiện dịch trong cộng đồng là thường trực vì vẫn còn mầm bệnh. Bên cạnh đó còn có nguy cơ từ người nhập cảnh trái phép và hợp pháp vào nước ta, hoặc từ chính các khu cách ly tập trung. Với khoảng 60% số ca bệnh không có triệu chứng nên dịch vẫn có khả năng lây lan và bùng phát nếu chủ quan, lơ là, đặc biệt là các cơ quan, công sở, xí nghiệp.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ, không chủ quan, nhiều chủ trương phù hợp đã được ban hành và thực thi kịp thời như: Yêu cầu đeo khẩu trang, cách ly, xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép… Nhờ đó, đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong phạm vi quốc gia. Chính quyền và nhân dân trong vùng có dịch đã bình tĩnh, kịp thời xử lý với hiệu quả cao nhất. Mục tiêu kép bước đầu được thực hiện tốt như: Đầu tư công, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…
Thủ tướng cũng ghi nhận kết quả triển khai tốt nhiệm vụ khoanh vùng quyết liệt các ổ dịch tại 15 địa phương có trường hợp dương tính xuất hiện như: Đà Nẵng, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Nam… với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân.
Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu khoanh vùng, xử lý nhanh, không để lây lan trên diện rộng đối với các trường hợp được phát hiện. Đây cũng là kinh nghiệm quan trọng, kịp thời cho ngành y tế trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là các chợ, các điểm tập trung đông người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu thực hiện nghiêm trong trạng thái bình thường mới đó là: Đeo khẩu trang nơi đông người, trên phương tiện công cộng; không tập trung quá đông người nếu không cần thiết; tiếp tục quán triệt tinh thần thần tốc, quyết liệt, “khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh” nhằm đảm bảo mục tiêu kép phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Thủ tướng chỉ rõ: Nếu không thực hiện tốt việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm thì sẽ đẫn đến hậu quả rất đáng lo là thu nhập người lao động giảm, tình trạng thất nghiệp cao, gây bất ổn xã hội. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các địa phương phải ban hành và hoàn thiện các chế tài xử lý các vi phạm trong thời gian dịch bệnh mặt khác phải có biện pháp cụ thể đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bởi thời gian qua, có 1 số địa phương có xu hướng “hơi quá tay” trong phòng, chống dịch; nghiêm cấm cả dịch vụ cần thiết như nhà hàng ăn uống, nhà máy, cơ sở sản xuất và chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến tham gia quản lý, điều hành.
Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, nhất là tỉnh có biên giới cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, kiểm soát chặt, không được để nhập cảnh trái phép, nhập cảnh không đúng đối tượng vào nước ta. Bộ Công an xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm về nhập cảnh trái phép.
Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn an toàn y tế tại nơi công cộng, nơi làm việc, trường học với nội dung ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu để người dân chấp hành. Làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở y tế. Tổ chức phân luồng, phân tuyến ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân; tăng cường kiểm soát, xác định sớm các trường hợp lây nhiễm trong bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhất là các biểu hiện ho, sốt… Tăng tốc nghiên cứu vắc xin, thuốc điều trị COVID-19. Tăng cường hợp tác quốc tế nhất là với các quốc gia có kết quả nghiên cứu vắc xin ban đầu. Đầu tư củng cố, nghiên cứu dịch tễ học; giải mã gien; lưu ý những ca tái nhiễm, dương tính trở lại.
Thủ tướng cũng đề nghị truyền thông mạnh mẽ, đúng mức để người dân luôn đề phòng dịch bệnh nhưng không hoang mang; tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone đề phòng ngừa.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát chặt chẽ, đẩy nhanh việc cấp thị thực cho chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo hướng nhanh, thuận lợi, gọn nhẹ. Đặc biệt cấp thị thực phải nhanh hơn, xử lý nghiêm các vi phạm, tránh tình trạnh nhiêu khê. Bộ Y tế cần sớm có quy định, hướng dẫn cụ thể các nhà đầu tư, chuyên gia vào Việt Nam làm việc ngắn ngày.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, các hãng hàng không và Ban Chỉ đạo xem xét, đề xuất Thủ tướng các đường bay thương mại tới 1 số quốc gia có hệ số an toàn cao; phải tìm mọi biện pháp hỗ trợ nền kinh tế phát triển với tinh thần "sống chung với dịch bệnh."
Ngày 27/8, Việt Nam ghi nhận 2 ca mắc mới COVID-19
Ngày 27/8, Việt Nam có thêm 2 ca mắc mới COVID-19, 1 ca tại Đà Nẵng, 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 27/8, Việt Nam có tổng cộng 1.036 ca mắc COVID-19; trong đó có 688 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 548 ca.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 27/8, Việt Nam có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế cơ sở 2 là: BN427, BN484, BN550; BN 574 tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và BN655 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 30 ca tử vong do COVID-19; điều trị khỏi cho 637 ca.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý thông tin báo chí nêu
Văn phòng Chính phủ vừa có các công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 "dự án treo" bỏ hoang tại Hà Nội và về những bất cập, khó khăn trong giảm chi phí vận tải.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 7101/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí nêu về hơn 300 “dự án treo”, bỏ hoang ở Hà Nội.
Trước đó, báo chí có phản ánh nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất... Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung báo chí phản ánh.
Còn tại công văn số 7094/VPCP-CN, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý thông tin báo chí nêu về những bất cập, khó khăn trong giảm chi phí vận tải.
Trước đó, báo chí có phản ánh việc giảm tỷ lệ xe chạy rỗng là yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí vận tải nhưng vẫn là bài toán rất nan giải.
Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các bất cập, khó khăn của sàn giao dịch vận tải; có giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận tải, nhất là vận tải hàng hóa.
Phản ứng của Việt Nam về việc Philippines đặt tên cho 4 bãi cát và 2 đá san hô quanh đảo Thị Tứ
Ngày 27/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về việc Philippines mới đây đặt tên cho 4 bãi cát và 2 đá san hô quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Bất kể hoạt động nào tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà không được Việt Nam cho phép là hoàn toàn không có giá trị. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với nội dung và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), góp phần vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Sáng 27/8, ngay sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả phân tích phổ điểm của từng môn thi và phổ điểm của một số tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020.
Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời là cơ sở để các trường đại học, cao đẳng xác định ngưỡng điểm xét tuyển. Các thí sinh, phụ huynh có thể căn cứ vào điểm từng môn thi và tổ hợp xét tuyển để đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp.
Cụ thể, kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Toán của cả nước năm 2020 cho thấy, có 845473 thí sinh tham gia thi bài thi Toán, trong đó điểm trung bình là 6,68 điểm, điểm trung vị là 7 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,8 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 195 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 153367 (chiếm 18%); có 273 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Ngữ văn có 830764 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 6,62 điểm, điểm trung vị là 6,75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 119 (chiếm 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75779 (chiếm 9%); có 2 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Vật lí có 286847 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 6,72 điểm, điểm trung vị là 7 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 39; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 37140 (chiếm 13%); có 10 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Hóa học có 289066 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 6,71 điểm, điểm trung vị là 7 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 38 (chiếm 0,01%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 44766 (chiếm 15,49%); có 399 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Sinh học có 284063 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 5,59 điểm, điểm trung vị là 5,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5,25 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 43 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 85715 (chiếm 30,17%); có 121 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Lịch sử có 553987 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 5,19 điểm, điểm trung vị là 5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,5 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 111 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 260074 (chiếm 46,95%); có 371 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Địa lí có 540775 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 6,78 điểm, điểm trung vị là 7 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,25 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 133 (chiếm 0,02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 33606 (chiếm 6,21%); có 248 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Giáo dục công dân có 469587 thí sinh tham gia thi, trong đó điểm trung bình là 8,14 điểm, điểm trung vị là 8,25 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8,75 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 41; số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 5152 (chiếm 1,10%); có 4163 thí sinh đạt điểm 10.
Môn Tiếng Anh có 749285 thí sinh, trong đó điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm trung vị là 4,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 543 (chiếm 0,07%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 472990 (chiếm 63,13%); có 225 thí sinh đạt điểm 10.