Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai nhận định những ý kiến được nêu ra tại cuộc họp rất đúng và thiết thực. Trong đó có một số vấn đề cần xem xét như: phát triển y tế cơ sở - tạo cơ chế tự chủ cho y tế cơ sở; quản lý giá y tế tư nhân; giải quyết các vấn đề mới xoay quanh giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo dự thảo Luật...
Ông Nguyễn Hoàng Mai yêu cầu các đại biểu nghiên cứu, xem xét và tiếp tục gửi những ý kiến mang thông tin thực tiễn về Ủy ban Xã hội của Quốc hội; yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại tổng số y sĩ trên toàn quốc chưa có giấy phép hành nghề để có lộ trình chuyển đổi phù hợp. Trên cơ sở đó, tạo được một dự án Luật mới đáp ứng được mong muốn thực tiễn, tạo điều kiện cho công tác khám bệnh, chữa bệnh tốt và hiệu quả hơn.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nêu lên nhiều vấn đề dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa đề cập. Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền, dự thảo Luật nên bổ sung thêm quy định về bác sĩ gia đình nhằm tạo hành lang pháp lý giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện và giảm tải cho tuyến y tế cơ sở; đặc biệt cần làm cơ sở thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với lực lượng này. Luật mới cũng cần quy định rõ trách nhiệm đơn vị quản lý người thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép trong lúc khi hiện nay, việc này còn chưa rõ ràng giữa Sở Y tế và địa phương.
Ngoài ra, một số vướng mắc về Luật cũng được các đại biểu đặt vấn đề. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền Nguyễn Thị Thanh Thúy, nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như bệnh án điện tử, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đăng ký hành nghề… chưa được quy định cụ thể trong Luật, vì vậy chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo Luật sư Bùi Quang Minh, Chuyên viên pháp lý Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long đặt vấn đề: tại chương V về các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh có sự tăng lên thành 23 điều (tăng 8 điều so với Luật hiện hành). Việc tăng lên này có ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm của người hành nghề quy định tại điều 77 điểm b - về việc xác định người hành nghề có sai sót hoặc không sai sót chuyên môn kỹ thuật, việc này kéo theo các gánh nặng trách nhiệm hành chính, dân sự, hình sự. Vì vậy liệu có nên giảm bớt các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Ngoài ra, theo như dự thảo Luật, việc thành lập Hội đồng chuyên môn nhưng không quy định thành phần gồm những ai sẽ ảnh hưởng đến kết luận sau cùng. Trong khi đó, kết luận của Hội đồng chuyên môn trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh vô cùng quan trọng vì nó dựa trên cơ sở khoa học. Do đó, cần có thêm quy định về thành phần Hội đồng chuyên môn trong Luật sửa đổi này.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009; tính đến nay đã hơn 11 năm triển khai thi hành. Hiện Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết, vì vậy việc sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là rất cần thiết nhằm sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn mà chưa có cơ chế pháp lý phù hợp; đặc biệt, bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian vừa qua đã cho thấy việc sửa đổi Luật này là vô cùng cấp thiết.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có 10 chương và 99 điều, so với Luật hiện hành tăng một chương và 8 điều. Trong đó, chương 9 là chương hoàn toàn mới về khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.