Nhiều bất cập trong công tác xuất khẩu lao động

Chiều 23/10, các đại biểu thảo luận trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Chú thích ảnh
Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại Nghệ An, nhiều người dân, trong số đó có cả những người đã nhiều năm đi xuất khẩu lao động và những người mong muốn được đi xuất khẩu lao động, rất quan tâm về nội dung này.

Anh Hoàng Văn Tâm, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc - người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động cho biết: Đi xuất khẩu lao động là nhu cầu chính đáng của nhiều lao động, nhất là lao động ở các vùng nông thôn. Trong bối cảnh ở nông thôn, lao động dư thừa nhiều, không có việc làm, thu nhập thấp…, đi xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng có thể đi được, vì thông thường người lao động ở nông thôn lại nằm trong nhóm những người thiếu vốn, thiếu thông tin và thiếu kiến thức, hạn chế về tay nghề mà thị trường lao động ở nước ngoài cần.

Khắc phục tình trạng trên, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là rất cần thiết. Kèm theo đó, Nhà nước cần công khai, minh bạch, có định hướng một cách cụ thể các thông tin về từng thị trường xuất khẩu, ngành nghề thị trường lao động từng nước đang có nhu cầu; cung cấp đầy đủ, rõ ràng những doanh nghiệp được làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động để người lao động biết. Quan trọng hơn nữa, đó là có chính sách, tạo điều kiện về lãi suất vay vốn để người lao động, nhất là các lao động nghèo ở nông thôn có thể vay vốn để đi xuất khẩu, sau đó trả dần.

Thực tế cho thấy tại nông thôn, người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đang rất thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu và thiếu vốn. Trong khi đó, việc tuyển dụng đi xuất khẩu lao động tuy có định hướng, có vai trò quản lý của nhà nước, nhưng vẫn đang bị một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, cung cấp thông tin không chính xác, mục đích lôi kéo đưa được nhiều lao động đi xuất khẩu, nhưng khi sang được nước ngoài rồi thì sự thật không đúng như vậy. Thậm chí có tình trạng người lao động bị lừa đảo, vay ngân hàng nộp tiền mà mãi không đi xuất khẩu lao động được. Điều này, đặt ra vấn đề là chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần quản lý chặt chẽ, giám sát mạnh hơn việc tuyển dụng, đưa người đi xuất khẩu lao động.

Chị Đậu Thị Hiền, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên - người từng đi xuất khẩu lao động về cho hay: Hiện nay, việc đi xuất khẩu lao động đang tồn tại nhiều bất cập, từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc quản lý xuất khẩu lao động và cả ở phía những người trực tiếp đi xuất khẩu lao động. Thực tế đã có những trường hợp đi xuất khẩu lao động đã trốn, ở lại không về, kéo theo nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng đến địa phương và nhu cầu chính đáng đi xuất khẩu của nhiều lao động.

Mặt khác, cũng có nhiều lao động sau khi đi xuất khẩu lao động về, có được một khoản thu nhập tương đối. Nhưng do không định hướng được nghề nghiệp, không có việc làm ổn định nên một thời gian sau số tiền tích cóp từ đi xuất khẩu lao động bị hao hụt và hết dần, khó khăn trong cuộc sống lại diễn ra. Thậm chí có những gia đình, cuộc sống đang bình thường, nhưng sau một thời gian kể từ khi chồng (hoặc vợ đi xuất khẩu lao động) lại xảy ra nhiều bi kịch trong cuộc sống gia đình, dẫn đến vợ chồng chia tay, con cái thất học… Đây đang là những thực tế mà nhiều làng quê ở Nghệ An nơi có người đi xuất khẩu lao động từng biết và chứng kiến.

Thực tế trên đang rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc quản lý công tác xuất khẩu lao động, tránh tình trạng như hiện nay địa phương mới chỉ chú trọng đến việc làm sao để hàng năm đưa được nhiều lao động đi xuất khẩu, còn những vấn đề liên quan đến xuất khẩu lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Đảm bảo các điều kiện phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới
Bên lề Quốc hội: Đảm bảo các điều kiện phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới

Sáng 23/10, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN