Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cộng đồng xã hội quan tâm, theo dõi. Phóng viên TTXVN tại Hải Phòng, Nam Định, Cần Thơ ghi nhận ý kiến của cử tri, nhân dân về những nội dung thảo luận tại phiên họp.
Sửa đổi, bổ sung sát với thực tế
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, thành phố Cần Thơ cho biết: Công tác phòng, chống HIV nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm đáng kể và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhưng nhìn chung chưa bền vững, còn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng phức tạp, đan xen giữa nhóm nghiện ma túy, nhóm mại dâm, nhóm đồng giới, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ và kinh phí cho phòng, chống HIV gặp khó khăn, một phần do các tổ chức quốc tế cắt giảm kinh phí tài trợ. Hơn nữa, Luật phòng chống HIV hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng chống. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thanh Xuân cơ bản tán thành với các quy định trong Dự thảo Luật đã tạo nên hành lang pháp lý để mọi đối tượng được tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cũng như các biện pháp dự phòng phơi nhiễm. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ và kịp thời chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống HIV trong giai đoạn mới.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định Đỗ Đức Lưu cho biết, trong bối cảnh hiện nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi so với 5 - 10 năm trước. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS theo hướng mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế... là cần thiết và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Từ thực tế tại địa phương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định phân tích, Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, bổ sung được xây dựng trên tinh thần vừa đảm bảo thông tin cá nhân nhằm tránh sự phân biệt đối xử, kỳ thị của xã hội, song cũng mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để thuận tiện trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị...
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực thi nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể các trường hợp được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, ví dụ: lãnh đạo cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh từ cấp huyện, thành phố trở lên và một số trường hợp liên quan trực tiếp đến việc giải quyết quyền lợi cho người bị bệnh...
Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi đã bổ sung biện pháp “dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” là một biện pháp kỹ thuật mới, có tính hợp lý, tạo điều kiện để nâng cao năng lực trong dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi khi Luật ban hành, cần điều chỉnh một số nội dung như: Đối với việc quy định mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Điều 1) là cần thiết để công tác quản lý nhà nước về phòng, chống HIV đạt hiệu quả nhưng cũng cần phải đảm bảo quyền bảo mật thông tin cá nhân của người nhiễm HIV nói riêng, đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp nói chung, đồng thời cũng cần đảm bảo phù hợp với khuyến nghị và cam kết với cộng đồng quốc tế về quyền riêng tư của công dân mà Việt Nam đã tham gia. Vì vậy, cần cân nhắc thêm nội dung này để có quy định phù hợp...
Đối với việc tiếp cận thuốc kháng HIV (Tại Khoản 13: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 39), ông Nguyễn Thanh Xuân đề nghị bổ sung đối tượng nhiễm HIV trong nhà tạm giữ cũng cần được Nhà nước đảm bảo cấp miễn phí thuốc kháng HIV vì người nhiễm HIV trong nhà tạm giữ, trong trại giam, trại tạm giam đều có nhu cầu tiếp cận dịch vụ điều trị kháng HIV như nhau.
Cần tăng kinh phí cho công tác phòng, chống HIV
Ông Vũ Văn Phương (phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng) chia sẻ thêm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần quy định rõ ràng hơn về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương để đủ năng lực thực hiện các hoạt động phòng, chống và kiểm soát dịch HIV/AIDS, đặc biệt ở nơi trọng điểm về HIV/AIDS; tăng cường nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.
Về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV (tại khoản 14: Sửa đổi bổ sung Điều 43), ông Nguyễn Thanh Xuân cho rằng Dự thảo quy định còn chung chung, dễ dẫn đến tình trạng không đủ kinh phí thực hiện. Ông Xuân đề nghị quy định tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước một cách cụ thể và nguồn này đóng vai trò chủ yếu. Bên cạnh đó, Dự thảo quy định nâng cao tiềm năng quy động các nguồn lực khác, nâng cao trách nhiệm của các địa phương, tăng cường sự tham gia đóng góp của xã hội, cộng đồng và cá nhân trong phòng, chống HIV, như thế mới có thể đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống HIV khi Luật ban hành...
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định Đỗ Đức Lưu cho rằng, hiện công tác chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS đang nhận được một số nguồn kinh phí từ Trung ương, các Tổ chức phi Chính phủ và nội lực của tỉnh. Tuy vậy, Nam Định là tỉnh có nguồn thu từ ngân sách không lớn, nguồn lực phân bổ cho công tác phòng chống HIV/AIDS ở mức độ nhất định. Trong trường hợp các nguồn hỗ trợ từ Tổ chức phi Chính phủ theo chương trình, dự án hết thời hạn, Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ cho địa phương để đảm bảo kinh phí thực hiện hiệu quả công tác này.
Hiện nay, Nam Định có khoảng 1.000 trường hợp được hưởng hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV. Đây là Quỹ thực sự có ý nghĩa, giúp giảm bớt khó khăn cho ngân sách địa phương, tạo điều kiện chăm sóc, điều trị, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS hiệu quả hơn...
Theo dõi nội dung thảo luận tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi bổ sung, ông Trần Ngọc Ánh, nguyên Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 24, phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, cho hay HIV/AIDS là một trong những loại bệnh nguy hiểm và vẫn chưa có thuốc đặc trị. Công tác chăm sóc, điều trị, phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt là phòng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn khó khăn, vướng mắc...
Từ thực tiễn tại cơ sở, ông Ánh đề nghị, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng thời chú trọng công tác quản lý đối tượng mắc bệnh để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, xem xét chỉ đạo cơ quan chức năng gắn công tác chăm sóc, điều trị với triển khai những chương trình an sinh xã hội; xây dựng mô hình đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe của người mắc HIV, nhằm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ông Vũ Văn Phương (phường Đằng Lâm, quận Hải An, Hải Phòng) chia sẻ thêm: Luật cũng cần quy định rõ ràng hơn về tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ Trung ương đến địa phương để đủ năng lực thực hiện các hoạt động phòng, chống và kiểm soát dịch HIV/AIDS, đặc biệt ở nơi trọng điểm về HIV/AIDS; tăng cường nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS.
Truyền thông hướng vào cộng đồng
Hầu hết các ý kiến nhận định, việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Cựu chiến binh Vũ Văn Phương cho rằng: Luật khi sửa đổi, bổ sung cần quy định rõ ràng hơn việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông hướng tới cộng đồng, tới mọi gia đình, đặc biệt giới trẻ, phù hợp với từng ngành, từng đối tượng, chú trọng vùng xa, nơi còn nhiều tư tưởng kỳ thị, phân biệt đối xử nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, kiến thức, thay đổi hành vi để ngăn chặn, giảm thiểu tối đa số người nhiễm HIV mới.
Cùng đó, Luật cần bổ sung chi tiết việc xây dựng quy định cụ thể để khắc phục sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ. Huy động mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, tôn giáo quan tâm, hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với người nhiễm HIV và gia đình. Bên cạnh việc vận động người nhiễm HIV cùng gia đình tích cực hưởng ứng hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, Luật khuyến khích việc thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm tự lực của những người có HIV, bị ảnh hưởng HIV/AIDS.
Ông Phạm Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia và đã đạt được kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, kết quả này chưa thực sự vững chắc, vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn, tình hình dịch HIV/AIDS chưa giảm.
Từ thực tế Hải Phòng, ông Phạm Văn Bình đề nghị Quốc hội nên xem xét, bổ sung Luật chi tiết, cụ thể hơn việc đưa công tác phòng, chống HIV/AIDS thành mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của mỗi địa phương, đơn vị; quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị; gắn công tác phòng, chống HIV/AIDS với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, địa phương...