Đây chính là thời điểm Chính phủ thể hiện sự điều hành linh hoạt, quyết liệt để bảo đảm “mục tiêu kép”: vừa khống chế thành công dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bên lề kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Đoàn Cà Mau): Tạo được lòng tin với nhân dân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, điều hành của Chính phủ thời gian qua rất quyết liệt, thể hiện qua sự nhập cuộc của tất cả các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, giai đoạn chống dịch COVID-19 vừa qua đã thành công, góp phần tạo lòng tin trong nhân dân.
Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chung nhưng Chính phủ đã thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đặc biệt, các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19 được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả và quan trọng hơn cả là phù hợp với thực tiễn cũng như thực lực của đất nước.
Ngay trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân đã ghi nhận và bày tỏ lòng tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước từ việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội cho đến phòng chống tham nhũng, truy cứu trách nhiệm hình sự các vụ án kinh tế lớn...
Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân, doanh nghiệp... giảm bớt khó khăn, ổn định đời sống, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, nhiều lĩnh vực đã được “vực dậy”, duy trì một số chỉ tiêu xuất khẩu quan trọng; trong đó có một số mặt hàng tăng đáng kể.
Các hỗ trợ từ Chính phủ cũng đòi hỏi nguồn chi phí rất lớn. Bởi vậy, dẫu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động và ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo từ đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng bình quân giai đoạn 5 năm (2016-2020) không đạt mục tiêu đề ra cũng là phù hợp với diễn biến thực tế. Ngay như việc phấn đấu để đạt các mốc tăng trưởng này cũng đã là những thử thách đòi hỏi nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Vẫn cần độ trễ để phục hồi nền kinh tế
Tại Kỳ họp này, Chính phủ đặt kế hoạch phát triển kinh tế năm 2021, với nhiều mục tiêu cụ thể như: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%... Các chỉ số này được xây dựng trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước cũng như lộ trình khống chế dịch COVID-19 trên thế giới. Mục tiêu này thể hiện quyết tâm lớn, song cũng đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của Chính phủ.
Thực tế, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn về kinh tế, thậm chí còn lớn hơn các cuộc khủng hoảng của thời kỳ trước đây. Bởi vậy, nền kinh tế cần có độ trễ nhất định để phục hồi, chứ không kỳ vọng có thể bật dậy ngay được.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn có nhiều điểm sáng trong nền kinh tế để đặt niềm tin và mong đợi. Điều đáng ghi nhận nhất là trong khi nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng “âm” thì Việt Nam lại là một trong những quốc gia có tăng trưởng dương. Cùng đó, thị trường trong nước ngay lập tức đã mở thêm nhiều hướng, nhiều chính sách hỗ trợ giúp vực dậy nền kinh tế và đang dần đi vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTCPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hỗ trợ vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Đây cũng là trợ lực tốt.
Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, hướng tới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Những yếu tố này chính là cơ sở để Chính phủ khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 với dự kiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; hướng tới giải quyết cùng lúc các mục tiêu vừa bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả.