Bên lề Quốc hội: Xác định đúng đối tượng trong việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 

Sau đại dịch COVID-19 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải chịu những tác động tiêu cực trên nhiều lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có 760 nghìn doanh nghiệp; trong đó, 93% là doanh nghiệp nhỏ; 4% là doanh nghiệp vừa và 3% là doanh nghiệp lớn, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như tạo việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đa số các đại biểu cho rằng, chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cần đúng đối tượng và tránh cào bằng.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Giải quyết một cách căn cơ 

Tôi đồng tình với chính sách này, nhưng việc này chưa phải vấn đề quan trọng nhất để khắc phục những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra.

Chú thích ảnh
Đại biểu Đỗ Văn Sinh. Ảnh: V.Tôn/Báo Tin tức

Bởi, gốc rễ của vấn đề là tất cả các chi tiêu của xã hội và sử dụng ngân sách Nhà nước được hình thành từ thuế, từ sự sống còn của doanh nghiệp.

Hiện nay, chúng ta đang bàn vế sau của vấn đề và trước mắt cần mạnh dạn đánh giá bao nhiêu doanh nghiệp giải thể, phá sản, khó khăn ở chừng mực nào.

Cùng với đó, phải xem xét kỹ lưỡng doanh nghiệp nào khó khăn nhất, bị tác động lớn bởi đại dịch. Hơn nữa, các doanh nghiệp khó khăn làm sao có lãi nên giảm thuế cũng không giải quyết được gốc rễ. Vấn đề ở đây là cần đánh giá thật sự sức sống của doanh nghiệp và có gói kích cầu giúp họ phục hồi.

Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giãn thuế, nhưng đây chỉ là giãn và vẫn phải có trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước.

Ngoài ra, chính sách giảm lãi suất, kéo dài thời hạn cũng là một chính sách hay, nhưng vấn đề trước kia doanh nghiệp đã vay, đến thời điểm phải trả thì được giãn. Tuy vậy, theo tôi cần có thêm những "kích thích" khác, nhất là với doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản.

Chẳng hạn như sử dụng Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù mô hình Quỹ đã có, nhưng nguồn lực quá nhỏ, vốn điều lệ có 2 nghìn tỷ đồng mà cũng chưa được cấp đủ. Nếu so với nhu cầu vay vốn của 760 nghìn doanh nghiệp thì khó thể đáp ứng được.

Cùng với đó, còn có Quỹ bảo lãnh tín dụng ở cả cấp Trung ương và địa phương, song cơ chế hoạt động không khác gì một ngân hàng nên không phát huy tác dụng.

Hơn nữa, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng có cơ chế hỗ trợ, vậy nên chăng tập trung vào một chỗ để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Mới đây, hệ thống ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, nhưng theo tôi cần phải giảm thêm nữa. Ngoài ra, Chính phủ cần có những gói hỗ trợ và cùng ngân hàng "bơm" thêm cho Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời tạo cơ chế rộng hơn, thông thoáng hơn.

Mặt khác, "bơm" thêm nguồn lực cho Quỹ bảo lãnh tín dụng vì Quỹ này sẽ cùng với ngân hàng giúp nguồn tiền cho doanh nghiệp đỡ nhiều rào cản hơn.

Khi đó, doanh nghiệp mới có lực để đầu tư và nộp thuế nên giảm thuế chỉ là vế sau, cần đẩy mạnh vế trước và đó mới là mấu chốt hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn Thừa Thiên - Huế): Rà soát kỹ lưỡng, tránh cào bằng

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các nước tiên tiến là chủ động "bơm" vốn cho doanh nghiệp và hỗ trợ người dân từ rất sớm.

Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng từ đại dịch này nên chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn và tôi hoàn toàn đồng tình.

Dù vậy, làm thế nào để số tiền 16 nghìn tỷ đồng không ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách là vấn đề cần bàn. Bởi, nếu thu ngân sách không bảo đảm sẽ dẫn đến chi bị tác động, nhưng tôi tin rằng Chính phủ cũng đã tính toán vấn đề này.

Song, quan trọng là Chính phủ phải rà soát một cách đầy đủ và đánh giá các doanh nghiệp đó có thực sự đúng đối tượng được hưởng ưu đãi hay không.

Chính phủ cũng phải rà soát lại những doanh nghiệp tập trung sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ xuất khẩu và sử dụng nhiều nhân công cũng như những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho ngân sách vừa qua.

Đối với những doanh nghiệp lớn, Chính phủ cũng phải tính đến như Vietnam Airlines là một doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Hay như Hãng hàng không Vietjet Air, Bamboo Airways tuy là doanh nghiệp tư nhân, nhưng cũng phải tính toán và có thể hỗ trợ bằng nguồn vay tín dụng lãi suất thấp hay một phương án nào đó để đạt hiệu quả.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): Áp dụng phù hợp từng đối tượng

Sau 3 tháng trải qua đại dịch COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nên việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 30% cần phải cân nhắc một cách chính xác, cụ thể để áp dụng cho từng đối tượng phù hợp.

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phạm Văn Hòa phát biểu sáng 16/6. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tôi đồng tình với việc miễn, giảm thuế nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng là doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, quy định các doanh nghiệp dưới 50 tỷ đồng và đóng bình quân bảo hiểm xã hội dưới 100 người là con số rất mơ hồ nên cần xác định rõ ràng.

Vì vậy, tôi đề nghị phải cân nhắc thật cụ thể để phù hợp với các đối tượng được miễn, giảm thuế. Đối với những đối tượng còn lại là các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp lớn, hợp tác xã cũng nằm trong đối tượng được miễn, giảm thuế.

Nhưng với doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn cũng phải cân nhắc vì tất cả các doanh nghiệp đều khó khăn chứ không phải chỉ có doanh nghiệp nhỏ. 

Nếu đúng là khó khăn, tôi đề nghị nên miễn, giảm, dù đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ hoặc vừa vì nếu không miễn, giảm thì nhiều khả năng các doanh nghiệp lớn sẽ phá sản và tạo ra sự phân biệt.

Tất nhiên, những doanh nghiệp lớn có vốn lớn và khả năng tồn tại lâu hơn doanh nghiệp nhỏ, nhưng những doanh nghiệp lớn cũng đóng góp không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, theo tôi để tính miễn, giảm nên giao cho Bộ Tài chính và Chính phủ quyết định nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang): Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi

Về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, tôi cho rằng đây là chính sách rất cần thiết. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết này phải xây dựng các tiêu chí rõ ràng hơn để chính sách dễ dàng thực hiện cũng như đi vào cuộc sống; đồng thời phải có những giải pháp nhằm tránh tình trạng trục lợi từ chính sách.

Đối với tiêu chí về thu nhập và sử dụng người lao động, tôi đề nghị xem xét lại bởi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Do đó, phải xem lại khả năng phục hồi của các doanh nghiệp để từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Ngoài việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cần hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách như mở rộng thị trường xuất khẩu, kết nối với các đối tác nước ngoài...

Hiện nay, thị trường nội địa đang là điều kiện tốt để các doanh nghiệp tận dụng đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm, nhưng cũng tùy thuộc vào từng loại mặt hàng, sản phẩm.

Chẳng hạn như mặt hàng trái cây cần đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Hay như ngành du lịch phải có những hoạt động kích cầu, còn đối với những mặt hàng xuất khẩu thì cần kết nối, mở rộng thị trường. 

Tóm lại, mặt hàng nào tiêu thụ nội địa tốt thì nên phát huy bởi thời gian qua nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng, trong khi đó thị trường này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Uyên Hương - Thành Trung/TTXVN (Thực hiện)
Đại biểu Quốc hội: Tránh cào bằng trong giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Đại biểu Quốc hội: Tránh cào bằng trong giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Đồng tình cao trong việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu cho rằng cần ưu tiên những lĩnh vực có tiềm năng và các dự án trọng điểm lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, sàng lọc đối tượng thụ hưởng ưu đãi, tránh cào bằng để tạo ra sự lan tỏa, làm động lực khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN