Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Xác định rõ tiêu chí rõ ràng cụ thể
Tôi hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng khác vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới tất cả các lĩnh vực doanh nghiệp. Bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, dự kiến sẽ có nhiều khó khăn sâu vào quý III và nhiều doanh nghiệp chỉ có đơn hàng đến tháng 6. Vì vậy, tôi cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn.
Tuy nhiên, số những doanh nghiệp nhỏ mức độ nặng hơn do nguồn lực dự trữ của các doanh nghiệp này thấp nên khi bị ảnh hưởng từ dịch thì gần như nguồn lực dự trữ không có. Mặc dù quá trình phục hồi tốt nhưng hoạt động phụ thuộc lớn vào lao động tương đối không ổn định đã tác động mạnh tới các doanh nghiệp và giảm lợi ích của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Nghị quyết cũng xác định rất rõ tiêu chí về doanh thu và lao động của doanh nghiệp đó bị cắt giảm, tránh tình trạng nhiều chính sách đưa ra về ưu đãi nhưng không nêu rõ đối tượng thụ hưởng. Vì thế, cần đưa ra tiêu chí rõ ràng để định lượng và xác định được đối tượng cụ thể.
Do vậy, tôi băn khoăn cần có tiêu chí để cho chính xác. Bởi việc đưa ra trong tiêu chí là doanh nghiệp có mức thu dưới 50 tỷ đồng nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp doanh thu dưới 50 tỷ đồng là khó khăn.
Mục tiêu của chính sách này là ủng hộ cho doanh nghiệp khó khăn, song có doanh nghiệp lại thuận lợi hơn nhờ COVID-19. Do vậy, điều kiện tiên quyết ở đây là phải xác định rõ đối tượng nào thực sự gặp khó khăn để được thụ hưởng chính sách này.
Bởi khi đưa ra con số dưới 50 tỷ đồng doanh thu và dưới 100 lao động đóng bảo hiểm xã hội đặt ra nguy cơ trục lợi chính sách rất cao. Lẽ ra doanh nghiệp có khả năng doanh thu cao nhưng họ sẽ dừng lại ở mức này hoặc kê khai gian dối.
Cùng với đó, lẽ ra doanh nghiệp phải đóng đủ bảo hiểm cho 100 người nhưng lại chỉ đóng dưới số đó để được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, hiện nay Luật Doanh nghiệp cũng đang hướng tới việc đưa các hộ kinh doanh phát triển chính thống như doanh nghiệp.
Nếu hộ nào đăng ký có được con số chính xác về lao động, doanh thu…sẽ chính thức trở thành đối tượng được hỗ trợ chính sách ưu đãi. Tôi cho rằng đây sẽ là tác động lan toả tích cực và tôi đồng tình với chính sách này.
Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương): Sàng lọc đối tượng hỗ trợ
Về mặt chủ trương, tôi hoàn toàn thống nhất với việc cần thiết ban hành Nghị quyết giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng bị ảnh hưởng theo đúng mục tiêu là hướng tới nhóm đối tượng thực sự khó khăn, cần hỗ trợ trong giai đoạn dịch COVID-19.
Tuy nhiên, đối tượng và tiêu chí để xác định giảm thuế khiến tôi băn khoăn bởi có hai tiêu chí là doanh thu dưới 50 tỷ đồng và lao động dưới 100 người nhưng lại không xác định mục tiêu chính thực sự khó khăn trong giai đoạn cần hỗ trợ.
Nếu quy định như thế này thì cào bằng và không cần tiêu chí thực sự khó khăn vì chỉ cần đảm bảo hai điều kiện doanh thu và lao động là được hưởng.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ cũng đã có một số chính sách hỗ trợ về thuế nhưng thực tế đang xảy ra nhiều vấn đề. Đơn cử như đối tượng không cần hỗ trợ lại được nhận hỗ trợ, còn đối tượng cần sự hỗ trợ nhất lại gặp khó khăn vì có quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.
Chẳng hạn tại Bình Dương, đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19 đã lên tới trên 50.000 người và hiện chưa có công nhận lao động được nhận hỗ trợ.
Sở dĩ vậy là do quy định người lao động thực sự bị ảnh hưởng đã ngưng việc, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng nhưng điều kiện được hưởng lại phụ thuộc phía doanh nghiệp phải làm thủ tục. Trong khi đó, điều kiện về doanh nghiệp phải không có doanh thu và không có nguồn tài chính sau khi đã sử dụng hết các quỹ dự phòng.
Chính bởi thế, điều kiện này không thể thực hiện được bởi doanh nghiệp đang hoạt động thì khó có chuyện không có doanh thu và không có nguồn tài chính. Ngoài ra, mục tiêu của chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục phát triển chứ không phải áp dụng cho doanh nghiệp giải thể phá sản.
Tại Bình Dương, nhiều doanh nghiệp mới làm được vài thủ tục ban đầu nhưng khi đến chứng minh doanh thu thì các doanh nghiệp này không làm được.
Đó là chưa kể những yếu tố khác như uy tín công ty…vì muốn xác định điều này đòi hỏi phải có báo cáo tài chính với cơ quan thuế. Hơn nữa, chính sách cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động hiện nay cũng gần như không có doanh nghiệp nào làm được.
Vì vậy, về mặt chủ trương cần thiết giúp doanh nghiệp giảm doanh thu, giảm lợi nhuận do dịch bệnh thì giảm thuế là cần thiết nhưng phải giảm đúng đối tượng chứ không thể cào bằng.
Tôi nghĩ rằng Nghị quyết giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng bị ảnh hưởng cần tính toán để có quy định cho đúng đối tượng, đúng tiêu chí thực sự khó khăn, phải giảm doanh thu hoặc giảm lợi nhuận so với năm 2019 thì mới thực hiện chứ như hiện nay thực sự hoàn toàn không ổn.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình): Chú trọng các doanh nghiệp tiềm năng
Hiện nay, Chính phủ đã cố gắng đưa ra một gói trợ giúp cho doanh nghiệp hiệu quả nhưng làm sao thực hiện nhanh gói hỗ trợ này là điều cần thiết. Vì vậy, lần này Quốc hội sẽ bàn đến những biện pháp giảm thuế, Chính phủ cũng sẽ thực hiện các biện pháp giãn thuế cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải chú ý đến những lĩnh vực có tiềm năng và những dự án trọng điểm, các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tiềm năng. Khi thúc đẩy, hỗ trợ được những doanh nghiệp tiềm năng, dự án trọng điểm sẽ tạo ra sự lan toả trong phát triển.
Tại các chính sách hiện nay, Việt Nam tập trung nhiều đến sự lan toả, rộng khắp nhất là chính sách với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thế nhưng, theo tôi cần có những chính sách các doanh nghiệp đầu đàn, những lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng. Bởi, nếu kích hoạt vào trong khu vực này sẽ tạo sự lan toả với doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như đối với nền kinh tế.