Bên lề Quốc hội: Phải cân đối được nguồn vốn cho dự án

Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện đầu tư công cho một số đoạn trên tuyến cao tốc là đúng, bởi sau thời gian đấu thầu không có nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, nếu thực hiện đầu tư công cho các đoạn này thì Chính phủ sẽ phải cân đối nguồn vốn như thế nào.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Đoàn Long An): Phải cân đối được nguồn vốn cho các dự án

Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông, thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã xem xét, lựa chọn nhà thầu thì thấy rằng, có một số nhà thầu không đủ năng lực, nhất là về vốn.

Liên quan đến dự án đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, ngoài dự án đang chuẩn bị triển khai thì vẫn còn 2 tuyến đường hiện đang vẫn lưu thông là Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh.

Như vậy, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông từ Tp. Hồ Chí Minh đến Phan Thiết sẽ bị phân chia bởi có 3 tuyến đường đi chuyển. Theo tính toán của các nhà đầu tư, với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ít thì dẫn đến nguồn thu thấp. Đây chính là bài toán về tài chính đối với các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện nay chu kỳ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng vào khoảng 20 năm cho một dự án. Đối với những dự án có vòng đời trên 20 năm thì các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay.

Đây chính là lý do mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước không mặn mà đối với các dự án này, bởi họ nhìn thấy hiệu quả đầu tư không cao.

Do đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng nên Chính phủ đã đề nghị chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư PPP sang hình thức đầu tư công tại một số đoạn do không kêu gọi được nhà đầu tư.

Tuy nhiên, nếu thực hiện đầu tư công cho các đoạn này thì Chính phủ cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ về nguồn vốn. Bởi hiện nay, nguồn ngân sách vẫn còn eo hẹp, bên cạnh đó đại dịch COVID-19 cũng làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nước ta.

Nói về hiệu quả đầu tư tại các dự án này, tôi cho rằng trước mắt chưa đem lại hiệu quả vì chưa kết nối được toàn tuyến. Bản chất hiện nay chúng ta đã có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư trước đó và đang sử dụng rồi.

Nhưng quan điểm của tôi cho rằng, chủ trương dùng vốn ngân sách để đầu tư cho các đoạn chưa thu hút được nhà đầu tư là đúng, nhưng đòi hỏi Chính phủ phải cân đối được nguồn vốn cho các dự án này. Hiện Quốc hội cũng đang thảo luận về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Đoàn Quảng Trị): Minh bạch năng lực của nhà thầu

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh. Ảnh tư liệu: Phương Hoa/TTXVN

Đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam, có 7/8 đoạn đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Theo đánh giá của Chính phủ, những nhà đầu tư này có năng lực thi công tốt, nhưng một số nhà đầu tư huy động nguồn lực hạn chế. Bên cạnh đó, mục tiêu là muốn đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, góp phần tăng trưởng GDP. Đó là 2 lý do quan trọng nhất.

Hai mục tiêu đấy tôi rất đồng tình, nhưng vấn đề đặt ra là chưa tổ chức đấu thầu thì làm sao biết đủ năng lực hay không? Chúng tôi đã trao đổi với các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn thấy rằng đã cam kết thì phải thực hiện. Không thực hiện được thì vi phạm hợp đồng, mất đặt cọc. Đó là một trong những lý do tôi cho rằng phải minh bạch chỗ này.

Vấn đề tiếp theo nữa, từ xưa đến nay chúng ta rất muốn làm Luật PPP để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn. Một là thu hút tăng nguồn lực tài chính; thứ 2 là tăng năng lực quản trị tốt hơn để hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Hiện Quốc hội cũng đang bàn thảo và dự kiến sẽ thông qua Luật PPP.

Trên thực tế, Chính phủ cho rằng, đầu tư công sẽ nhanh hơn đầu tư theo hình thức PPP. Nhưng tôi thì lại nghĩ không phải như vậy. Vì trên thực tế thời gian qua, hầu như và gần như tất cả các dự án đầu tư công đều chậm tiến độ.

Trong khi đó, khi nhà đầu tư đấu thầu theo hình thức PPP rồi thì người ta triển khai rất nhanh. Cơ chế của người ta tự quyết được vì tiền của người ta. Thực tế, một số dự án của tư nhân đầu tư như: sân bay Vân Đồn họ làm rất nhanh.

Thành Trung - Uyên Hương/TTXVN (Thực hiện)
Xem xét chuyển đổi sang đầu tư công với ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông 
Xem xét chuyển đổi sang đầu tư công với ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 9/6, đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN