Cũng trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung này.
Giải quyết vướng mắc về huy động vốn tín dụng và bảo đảm tiến độ
Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thành và sớm đưa vào khai thác sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Trong hơn hai năm qua, việc triển khai thực hiện Dự án đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng yêu cầu của Quốc hội. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt trên 73%. Ba dự án đầu tư công bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai tháng 8/2020. Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), kết quả sơ tuyển nhà đầu tư đã phê duyệt; hiện đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trong tháng 11/2020.
Triển khai Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp bảo đảm nguồn cung cấp vốn tín dụng cho Dự án. Tuy nhiên, đến nay đã phát sinh một số khó khăn, ảnh hưởng đến tính khả thi huy động vốn tín dụng thực hiện Dự án.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, quy định về tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ngày càng giảm dần, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng. Các dự án BOT vừa qua có doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, nguy cơ phát sinh nợ xấu, cơ cấu lại khoản vay... nên các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn để cho vay vốn dự án mới.
Đồng thời, với tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu..., nên hạn mức cho vay dài hạn sẽ giảm. Dự báo sẽ có một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, phải tạm dừng kinh doanh hoặc phá sản, dẫn tới rủi ro gia tăng nợ xấu. Các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên việc cấp tín dụng càng khó khăn hơn.
Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành, đồng thời giải quyết được "mục tiêu kép", cụ thể là đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP, đồng thời đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế.
Về hiệu quả đầu tư, việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay.
Trên cơ sở xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với ba dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.
Bên cạnh những tác động tích cực, việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng có những hạn chế nhất định như sử dụng nhiều hơn vốn đầu tư công; ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành; tác động đến việc huy động nguồn lực xã hội.
Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cho thấy, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và thống nhất chuyển đổi ba dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Nghị quyết 52 sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.
Theo nội dung báo cáo thẩm tra, việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi. Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do hai dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.
Việc chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho hai dự án thành phần này. Đây cũng là hai dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).
Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của hai dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước có tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu các dự án trên được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ cần đến 23.461 tỷ đồng.
Ngoài ra, cả ba dự án thành phần này nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng, vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.
Tờ trình chưa thuyết phục
Thảo luận tại tổ, nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Ngô Trung Thành (Đăk Lăk) cho rằng, các dự án đầu tư công tốt hơn PPP bởi "tiền ở trong túi mình bỏ ra làm sẽ tốt hơn rất là nhiều". Tuy nhiên, đại biểu nêu vấn đề, "tiền ở trong túi mình nhưng mình còn rất nhiều việc cần tiêu, đặc biệt trong bối cảnh sau dịch COVID-19". Theo đại biểu Ngô Trung Thành, nếu để nhà đầu tư tư nhân "gánh" được cho Nhà nước, nguồn lực dành cho đầu tư công đó để đầu tư vào lĩnh vực khác như an sinh xã hội, các công trình phục vụ phát triển kinh tế tại các địa phương, vùng sẽ tốt hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, lý do xem xét chuyển đổi nêu trong Tờ trình còn chung chung, chưa thực sự thuyết phục. Tờ trình kiến nghị xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án trên ba đoạn tuyến nhưng lý do chưa thực sự gắn trực tiếp với dự án ở ba đoạn tuyến này, chỉ gắn với nguyên nhân khó khăn trong tìm kiếm nhà đầu tư, hạn mức tín dụng của các ngân hàng chạm ngưỡng... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình thêm để tăng tính thuyết phục.
Về trình tự, thủ tục, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Điều 21 Luật Đầu tư công quy định, hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia phải được gửi đến cơ quan chủ trì thẩm tra chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, ngày 14/5/2020, Chính phủ mới có Tờ trình và hồ sơ kèm theo gửi tới cơ quan thẩm tra. Bày tỏ sự băn khoăn trước vấn đề này, đại biểu đặt câu hỏi: "Theo quy định, chúng ta phải có 60 ngày để cơ quan thẩm tra xem xét, vậy việc gửi chậm này có đảm bảo các yếu tố và các nội dung để chúng ta đưa ra một quyết định hay không?",
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết đề nghị cân nhắc, xem xét lại tổng thể về việc lựa chọn các dự án chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, bởi nếu chỉ với lý do không có nhà đầu tư, "một thời gian nữa một số dự án lại không có nhà đầu tư, Quốc hội lại tiếp tục xem xét để đầu tư công thì như thế rất khó", đại biểu nêu ý kiến.
Thảo luận tại tổ, trao đổi về nguồn vốn bổ sung hơn 23.000 tỷ đồng nếu ba dự án được lựa chọn chuyển đổi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương chỉ đạo xem xét cân đối, bố trí nguồn vốn cho việc hoàn thành dự án cao tốc, dù kinh tế có khó khăn, sau đó mới xem xét dự án khác. Nhiệm kỳ vừa qua, ngân sách của Bộ được bố trí 235.000 tỷ đồng.
"Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ chuẩn bị kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025. Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nếu như kinh tế tốt hơn, Bộ Giao thông Vận tải được bố trí nhiều hơn, nếu thấp hơn nữa là 200.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, 23.000 tỷ đồng chiếm khoảng 10% nguồn lực, con số này hoàn toàn nằm trong cân đối nhiệm kỳ tới.