Đại biểu Đỗ Văn Sinh (tỉnh Quảng Trị) cho rằng Luật lần này đã đánh giá, tổng kết chất lượng của các luật trước đây và đang triển khai lấy ý kiến rộng rãi. Đặc biệt, trong phiên thảo luận Kỳ họp trước và lần này, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm những quy định hành chính liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Đại biểu cho rằng quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức, đặc biệt là những văn bản hướng dẫn, phân công, phân cấp trong quá trình thực hiện.
Theo đại biểu, một thực tế cần được xem xét, đó là có những lĩnh vực mà phạm vi điều chỉnh rất rộng và thường có những vi phạm lớn, nhưng khâu tổ chức thực hiện lại chưa hiệu quả. Ông Sinh lấy ví dụ, hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng đã có chế tài xử phạt nhưng hiện nay vẫn chỉ để cho cơ quan hành chính được tổ chức lập biên bản xử phạt thì không thể đủ nhân lực để thực hiện.
Theo quan điểm của đại biểu tỉnh Quảng Trị, cần mở rộng đối tượng được phép xử phạt theo ủy quyền, để đảm bảo tính răn đe. "Chúng ta đã xã hội hóa rồi, những quy định pháp luật cũ trước đây chỉ cho các cơ quan công quyền, cơ quan hành chính mới được xử phạt hoặc được thực hiện, bây giờ, nên ủy quyền cho những tổ chức đủ năng lực thực hiện, như văn phòng công chứng chẳng hạn", đại biểu Đỗ Văn Sinh phân tích.
Nhiều đại biểu cho rằng để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, phải có những quy định rất chặt, nhưng phải phù hợp với điều kiện nhất định của từng vùng, miền. Bên cạnh đó, để có một luật có sự trải dài, rộng, cần phải được phân cấp, không nên quy định một cách quá cứng nhắc.
Phân tích về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (thành phố Hải Phòng) nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều đạo luật liên quan như Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học với những quy định chặt chẽ, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số nơi vẫn chưa thực sự nghiêm túc, cần có sự chấn chỉnh cho hiệu quả.
Nói về trách nhiệm, năng lực của người công bố thông tin về vấn đề môi trường, đại biểu Nghiêm Vũ Khải khẳng định, cần có biện pháp ngăn ngừa những hành vi thiếu trách nhiệm, công bố có tính chất bôi nhọ, làm hoang mang xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, mỗi cá nhân đều có quyền tự do khi đăng tải thông tin và phải chịu trách nhiệm về độ chuẩn xác cũng như các vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng.
Khẳng định rằng những thông tin chính xác về tình trạng ô nhiễm thì các cá nhân hoặc tổ chức có quyền công bố công khai, nhưng đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng nêu rõ, khi thực hiện việc này người có trách nhiệm nên thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước và địa phương về tình trạng đó, hoặc đưa ra cảnh báo thì sẽ tốt hơn.
Về việc có ý kiến cho rằng cần cắt điện, nước tại địa điểm xảy ra vi phạm trong lĩnh vực môi trường, theo đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đây là vấn đề rất tế nhị. Trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu nhận định, trong một hộ gia đình chỉ có một người vi phạm mà những người khác phải chịu ảnh hưởng thì không công bằng và sai về nguyên tắc. Tuy nhiên, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng những công trình vi phạm quy định về môi trường thì cần phải được xử lý nghiêm, trong đó có cả hình thức cắt điện để đình chỉ hoạt động sản xuất, tránh ảnh hưởng đến đời sống của những người xung quanh.
"Đơn vị nào xả thải nhiều chất nguy hại ra môi trường cần được lực lượng chức năng cảnh báo, nếu không chấp hành nghiêm túc có thể phải bị cắt điện, nước để đình chỉ hoạt động, chấm dứt hành vi vi phạm gây nguy hiểm cho xã hội", đại biểu Nghiêm Vũ Khải nêu ý kiến.