Ngày 30/9, tại Tọa đàm “Tổng cục Môi trường - 10 năm xây dựng và phát triển”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, môi trường có vị trí quan trọng đối với chặng đường phát triển bền vững, đóng vai trò then chốt cho quá trình hội nhập.
Với số lượng cán bộ công tác môi trường tăng nhanh cần nâng cao chất lượng đội ngũ này, thay đổi tư duy khi chuyển sang giai đoạn mới, bắt kịp với xu hướng chung của thế giới, chủ động trong vấn đề ứng phó với sự cố môi trường.
Những thành tích nổi bật
Trong 10 năm xây dựng và phát triển (2008-2018), Tổng cục Môi trường đã tạo được một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, đã tham mưu ban hành 2 đạo luật quan trọng là Luật Đa dạng sinh học năm 2008 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Từ năm 2006 hình thành được nguồn ngân sách riêng cho sự nghiệp môi trường, được bảo đảm và tăng dần qua các năm. Từ năm 2012, Tổng cục Môi trường triển khai thu phí các thủ tục hành chính, góp phần tăng ngân sách nhà nước. Đặc biệt, việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường đã có những bước tiến đáng kể với 32 dự án ODA.
Xác định là hoạt động thường xuyên, trọng tâm, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức đã có những chuyển biến căn bản, đã dần chuyển từ thái độ đối phó với các cơ quan chức năng sang ý thức tự giác chấp hành.
Bên cạnh đó, Tổng cục còn tổ chức kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm và vận hành thương mại để bảo đảm an toàn về môi trường, đóng góp có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, các vụ việc, điểm nóng môi trường, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được theo dõi thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, các Tổ giám sát về môi trường, cũng như qua hệ thống Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. Các hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường đã bước đầu chuyển từ thế bị động sang chủ động trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có những tiến bộ vượt bậc. Đến nay, 80% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó 42% khu công nghiệp đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục.
Công tác bảo vệ môi trường làng nghề, lưu vực sông đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, đã rà soát, xác định được danh mục và lập danh sách “nâu” - làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và danh sách “vàng” - làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt năm 2018, Tổng cục đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/ 2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhằm giải quyết kịp thời vấn đề môi trường nóng, được dư luận và nhân dân quan tâm.
Trong 10 năm đã xây dựng và công bố 10 báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, cung cấp những thông tin, số liệu chính xác, khách quan về các vấn đề môi trường, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học và của cả cộng đồng. Tổng cục đã tích cực triển khai các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục công tác bảo vệ môi trường như tổ chức lễ phát động quốc gia “Tháng hành động vì môi trường” và các sự kiện có liên quan hưởng ứng ngày Môi trường thế giới; chuỗi các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Ngoài ra, Tổng cục luôn tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt tập trung thực hiện tốt chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tài cho rằng, giai đoạn tiếp theo, xu hướng ô nhiễm và sự cố môi trường tiếp tục gia tăng, da dạng sinh học tiếp tục suy giảm, trong khi công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường chưa tương xứng, lại phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới và xu thế chuyển dịch chính sách phát triển kinh tế xã hội trên thế giới, sẽ đặt ra các yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường. Bởi vậy, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ.
Tổng cục sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế; tăng cường xây dựng và triển khai hoạt động giám sát đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp ô nhiễm môi trường, khu vực nhạy cảm về môi trường; lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đổi mới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm, trong đó, tập trung vào các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường; các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường ven biển, lưu vực sông. Hiện Tổng cục đang phối hợp với các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016-2020.
Các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường sẽ được tăng cường đầu tư xây dựng và thực hiện, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường. Một số hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon không thân thiện với môi trường.
Tổng cục tăng cường quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có và đẩy mạnh thành lập các khu bảo tồn mới; bảo vệ, giữ bản quyền và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm; ngăn chặn sự xâm nhập, phát triển của các sinh vật ngoại lai xâm hạ, tăng cường quản lý rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh giai đoạn tới, Tổng cục Môi trường phải đổi mới phương thức quản lý, đưa ra những sản phẩm có tính quốc gia, thời đại; xây dựng chính sách theo cơ chế thị trường…
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, các Trung tâm trực thuộc Tổng cục cần đẩy mạnh công tác chuyên môn về cơ sở dữ liệu đóng góp cho công việc chung của ngành.