76 năm Quốc khánh 2/9:

Nhấn mạnh thành tựu hợp tác Việt Nam - Thụy Sĩ sau 50 năm phát triển

Tối 1/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ đã tổ chức Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ (1971-2021) tại Tòa thị chính Bern trong không khí trang trọng, ấm áp và thân tình.

Chú thích ảnh
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, tham dự Lễ kỷ niệm có Đại sứ Raphael Nageli, Tổng Vụ trưởng Vụ châu Á Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ, ông Johann Schneider-Ammann - Cựu Tổng thống và Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ, Đại sứ Beatrice Schaffer - Vụ trưởng Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Tiến sỹ Philipp Roesler - Lãnh sự danh dự, cựu Phó Thủ tướng Đức, bà Anjuska Weil - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ cùng sự tham gia của khoảng 300 khách mời gồm các đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ban ngành nước sở tại, bạn bè quốc tế, các hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu.

Về phía Việt Nam tham dự buổi lễ có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lê Linh Lan cùng các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, đại diện cộng đồng người Việt Nam, hội chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Thụy Sĩ cùng các nghệ sỹ, nhà thiết kế, người mẫu của cả Việt Nam và Thụy Sĩ.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định ngày Tết Độc lập có một vị trí riêng trong tâm trí của người Việt Nam và bạn bè trên toàn thế giới. Sau khi điểm lại những thành tựu của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, Đại sứ dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Năm 2021 đánh dấu việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó đề ra mục tiêu phát triển đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, theo hướng phát triển nhanh và bền vững, tập trung vào khoa học và công nghệ, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số. Chính phủ mới Việt Nam đã thể hiện quyết tâm đổi mới, khát vọng phát triển, nhằm mang lại những chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Năm nay là năm trọng đại “kỷ niệm kép” trong quan hệ Việt Nam và Thụy Sĩ: 50 năm Quan hệ ngoại giao và 30 năm Hợp tác phát triển. Trong nửa thế kỷ qua, mối quan hệ song phương đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực bao gồm chính trị - ngoại giao, thương mại và đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục và đào tạo và giao lưu nhân dân. Hai nước hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế.

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế song phương đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại hằng năm đạt 2 tỷ USD. Khoảng 140 công ty Thụy Sĩ bao gồm các tên tuổi hàng đầu thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Zuellig Pharma, Holcim, Schindler... đã kinh doanh thành công tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam.

Đại sứ Lê Linh Lan tin rằng với tính chất bổ sung của hai nền kinh tế và động lực chính trị mạnh mẽ hiện nay, quan hệ hợp tác của Việt Nam - Thụy Sĩ sẽ tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, hiện thực hóa tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, chăm sóc sức khỏe và đổi mới. Đại sứ bày tỏ hi vọng rằng việc sớm ký kết Hiệp định FTA giữa Việt Nam và EFTA trong năm kỷ niệm 50 năm quan trọng này sẽ tạo động lực lớn cho quan hệ kinh tế và thương mại song phương. Sức mạnh tổng hợp giữa nền kinh tế năng động và quy mô lớn của Việt Nam và thế mạnh của Thụy Sĩ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới có thể thúc đẩy cấp độ hợp tác cùng có lợi tiếp theo vì lợi ích phát triển bền vững và thuận lợi cho cả hai nước.

Chú thích ảnh
Đại sứ Raphael Nageli, Tổng Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ phát biểu chào mừng Quốc khánh Việt Nam. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN

Chia sẻ về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai quốc gia Việt Nam - Thụy Sĩ trong 50 năm qua, Đại sứ Raphael Nageli, Tổng vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ nhấn mạnh Thụy Sĩ trở thành một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1971, ngay khi Việt Nam vẫn đang trong chiến tranh. Tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ đối tác, hợp tác càng quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn khi đại dịch COVID-19 gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu kéo dài với những tác động chính trị, kinh tế - xã hội lâu dài và sâu rộng.

Trong năm nay, quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ đã chứng kiến nhiều bước phát triển tích cực với các chuyến thăm quan trọng, mới đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy sỹ Ignazio Cassis đầu tháng 8, không chỉ đúng vào dịp Quốc khánh Thụy Sĩ lần thứ 730 (1/8/1291), mà còn đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam và Thụy Sĩ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chia sẻ khó khăn và ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đợt bùng phát đại dịch COVID-19, lô hàng viện trợ trị giá 125 tỷ VNĐ (5 triệu CHF) bao gồm 13 tấn trang thiết bị y tế là chuyến hàng nhằm triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ.

Hưởng ứng Chương trình quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 do Đại sứ quán Việt Nam tại Bern phát động, nhiều người Việt tại Thụy Sĩ cùng một số doanh nghiệp Thụy Sĩ và Việt Nam đã quyên góp được tổng cộng 850 triệu VNĐ (32.500 CHF). Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Geneva và một số thành phố lân cận cũng chung tay đóng góp qua Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva. Cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ bày tỏ tâm huyêt mong muốn đất nước sớm vượt qua đại dịch.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ tại Tòa thị chính Bern. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN

Nhân dịp Lễ Quốc khánh, Đại sứ quán Việt Nam tại Bern đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa với những tiết mục biểu diễn âm nhạc truyền thống và thời trang Áo dài. Hai nghệ sĩ âm nhạc Việt Nam là Nguyễn Minh Trang và Đông Minh Anh biểu diễn dân ca Việt Nam và Thụy Sĩ với nhạc cụ dân tộc: Đàn Bầu, Đàn Tranh, Đàn T'rưng và Đàn Đá. Trong khi đó, buổi giới thiệu thời trang nhỏ có tên “HER”, một bộ sưu tập của hai nhà thiết kế tài năng của Việt Nam là Ngọc Anh (La Phạm) và Trần Thị Thanh Nga (Defined Moment) mang lại vẻ tươi mới cho tà áo dài, sử dụng chất liệu truyền thống gắn bó với phụ nữ dân tộc thiểu số tại các làng nghề Việt Nam.

Tố Uyên - Xuân Hoàng (TTXVN)
Điện và Thư chúc mừng 76 năm Quốc khánh Việt Nam
Điện và Thư chúc mừng 76 năm Quốc khánh Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021), lãnh đạo các nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Cuba, Liên bang Nga, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Brunei Darussalam, Cộng hòa Indonesia, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Singapore đã có Điện và Thư chúc mừng gửi Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN