Nghịch lý trong phân cấp, phân quyền: 'Cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông'

Ngày 8/5, Viện Khoa học tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo khoa học “Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay”.

Mô hình đồng dạng làm hạn chế khả năng tự chủ của địa phương

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn/moha.gov.vn

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ, phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, thời gian qua, có khá nhiều thông tin phản ánh về hiện tượng địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, chuyện đùn đẩy mọi việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể thấy đó là sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quản lý.

Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke cho rằng, phân cấp, phân quyền và tự quản địa phương là xu hướng chung của các quốc gia hiện đại, để các địa phương chủ động trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, giúp các địa phương phát huy được sức sáng tạo và thế mạnh của mình. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 của Việt Nam chưa có những quy định về quyền hạn riêng của địa phương, tương ứng với quy định Hiến pháp về “những công việc của địa phương”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý đã trao đổi, đánh giá thực trạng việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương, đề xuất các giải pháp xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước Dương Quang Tung cho rằng câu chuyện phân cấp, phân quyền, tản quyền, tập quyền là câu chuyện từ 30 năm nay nhưng vẫn mang tính thời sự. Hai nghịch lý trong phân cấp, phân quyền được ông chỉ ra là “cái cần buông thì nắm, cái cần nắm thì buông” và tình trạng cát cứ về thẩm quyền ở địa phương còn lớn. Một số việc phân cấp cho chính quyền tỉnh nhưng bộ, ngành vẫn nắm quyền kiểm soát, các tỉnh vẫn phải xếp hàng lên bộ, ngành, Chính phủ "xin ý kiến". Như vậy việc “phân cấp mang tính nửa vời”.

Còn Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng, chúng ta không coi chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền mà là một bộ phận thực thụ, cấp trên, cấp dưới. Tư duy lãnh đạo, chỉ đạo là từ trên xuống dưới. Vì vậy, chính quyền địa phương chưa đạt đến trình độ là một pháp nhân công quyền tự quản. Việc không thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền đã cản trở  việc phát huy rất nhiều giá trị phổ quát của tự quản chính quyền địa phương.

“Nếu thừa nhận chính quyền địa phương là một pháp nhân công quyền thì mọi cái đều hết sức minh bạch, bộ máy của mình, con người của mình, tài sản của mình, thậm chí là phù hiệu riêng của mình. Còn nếu không tất cả đều xin ở trên, từ trên đưa xuống rồi dưới lại báo lên trên, điều đó rất cản trở”, ông Lê Minh Thông nhìn nhận.

Ông chỉ ra rằng mặc dù đã phân biệt đô thị, nông thôn, hải đảo nhưng các cấp lại đều như nhau, một mô hình giống nhau trong khi các địa phương rất khác nhau, nên “anh làm nhiều, phát triển thì phải đóng nhiều. Còn anh không phát triển thì lại được hưởng nhiều. Mô hình đồng dạng này làm hạn chế rất nhiều khả năng tự chủ của địa phương”.

Hiện các cấp có thẩm quyền đang cho phép Hà Nội xây dựng mô hình thí điểm quản lý theo mô hình đô thị. Hàng loạt vấn đề vướng mắc đang đặt ra. Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương lâu nay có nhiều “ấm ức”, chúng ta đang tiến tới xây dựng quy chế đặc thù cho 5 thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng cơ chế đó cũng không hình thành được một điểm đích cho 5 địa phương này.

Theo ông, đã đến lúc phải nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng nhưng quyết liệt về mô hình chính quyền địa phương mới, để những giá trị phổ quát của chính quyền địa phương mà chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục bàn có cơ may được nảy mầm và phát triển ở một mô hình thích hợp.

Làm rõ việc ủy quyền

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn/moha.gov.vn

Đề cập đến vấn đề ủy quyền hiện nay, ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng cần làm rõ ai ủy quyền, ủy quyền cái gì, người ủy quyền và người được ủy quyền chịu trách nhiệm như thế nào?

Quan trọng là người đứng đầu. Khi Bộ trưởng phân công cho các thứ trưởng thì trách nhiệm chính vẫn là  Bộ trưởng -  ông Khải nhấn mạnh. 

Theo ông, trong Chính phủ cũng thế, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm cao nhất, còn các Phó Thủ tướng quy định ghi rõ là người giúp việc cho Thủ tướng trong các lĩnh vực.  

Theo ông Phạm Tuấn Khải, rà soát, khái quát quy chế làm việc của Chính phủ thì sẽ làm rõ được việc phân công công việc giữa Chính phủ với các bộ, giữa Thủ tướng với các Phó Thủ tướng, giữa Thủ tướng với các Bộ trưởng. Về phân cấp, phân quyền, ông đề nghị phải trao thẩm quyền nhất định cho chính quyền địa phương mới đảm bảo hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Ông cũng đề nghị nên cho chính quyền địa phương tự chủ về công tác cán bộ, Bộ Nội vụ không nên nắm hết.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Ngày 17/12, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến về các nội dung cần được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN