Theo đó, Bộ Giao thông vận tài cho hay, từ ngày 25/9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Đặc biệt, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải, lực lượng chức năng địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, đoạn đường bị đứt, sạt lở.
Kiểm soát, chủ động điều tiết giao thông; cấm đường tại các vị trí nguy hiểm trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này.
Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất.
Việc triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông phải bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình. Cần đặc biệt chú ý các hạng mục thi công tại khu vực dễ bị sụt trượt, các công trình ở miền núi hay có lũ đột xuất.
Với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước.
Khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước,...
Sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện. Có kế hoạch dừng chạy tàu tại các khu gian trong vùng mưa lũ để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện.
Sở Giao thông vận tải được Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra.
Tiến hành phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt và có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.
Trước đó, báo cáo của Khu quản lý đường bộ II, khoảng 6h30 ngày 28/9 trên địa bàn vẫn còn mưa lớn cục bộ, các vị trí ngập nước cơ bản đã rút hết. Một số vị trí sạt lở taluy dương gây tắc đường trên tuyến Quốc lộ 7 tại Km148+220, Km154+100, Km155+900, Km164+400. Đến thời điểm hiện tại đã thông xe.
Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa báo cáo từ ngày 26 -28/9, các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn do Sở Giao thông Vận tải được ủy thác quản lý ngập mặt đường tại 4 vị trí không gây tắc đường. Sạt taluy dương tại 15 vị trí với khối lượng khoảng 1.600 m3. Sa bồi mặt đường tại 28 vị trí với khối lượng khoảng 100 m3. Trên tuyến Quốc lộ 217B có 5 vị trí, Quốc lộ 16 có 3 vị trí, Quốc lộ 217 có 4 vị trí, Quốc lộ 15C có 13 vị trí, Quốc lộ 15 có 3 vị trí.
Xói lở lề đường tại 5 vị trí trên tuyến Quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 40 m3, tại thời điểm báo cáo giao thông đi lại bình thường. Nứt mặt đường Km144+700/Quốc lộ 217 với chiều dài 90m. Sạt lở đầu cống tại Km46+380/Quốc lộ 217B với khối lượng khoảng 10 m3.
Tình hình thiệt hại trên các tuyến đường tỉnh ngập đường tràn, mặt đường tại 21 vị trí gây tắc đường. Sạt taluy dương tại 24 vị trí với khối lượng khoảng 5.100 m3.
Xói lở mặt đường tại 6 vị trí với chiều dài khoảng 200m. Sa bồi mặt đường tại 52 vị trí, với khối lượng khoảng 450 m3, xói lở lề đường tại 22 vị trí với khối lượng khoảng 170 m3.
Tại Nghệ An, báo cáo của Sở Giao thông vận tải đến thời điểm 7h30 ngày 27/9, trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh do đơn vị quản lý bị ảnh hưởng, thiệt hại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.
Số điểm ngập nước trên cầu tràn, đường có 31 vị trí gồm Quốc lộ có 14 vị trí, đường tỉnh có 17 vị trí. Đóng đường 29 vị trí trong đó Quốc lộ 15 có 5 vị trí, Quốc lộ 16 có 1 vị trí, Quốc lộ 48 có 4 vị trí và Quốc lộ 48E có 3 vị trí.
Sở Giao thông vận tải Quảng Bình báo cáo hiện hệ thống giao thông cơ bản các tuyến Quốc lộ đều đảm bảo thông suốt, an toàn. Riêng Quốc lộ 15 bị ngập tắc đường tại vị trí ngầm Bùng Km562+200 ngập khoảng 1,5 - 2m.
Về thiệt hại, sạt lở ta luy dương khoảng 2.500 m3/7 vị trí. Quốc lộ 12A đất đá tràn mặt đường ước tính khối lượng 2.400 m3 đã được hót dọn, thông tuyến 1 làn xe tại các vị trí Km119+400, Km119+800, Km121+100, Km121+800, Km122+00, Km136+900.
Quốc lộ 9B tại Km80+050, sạt lở mái taluy dương ước tính 100 m3 đá tắc đường đã được hót dọn thông tuyến 1 làn xe.
Với Quảng Trị, Sở Giao thông vận tải tỉnh này báo cáo hiện hệ thống giao thông cơ bản các tuyến quốc lộ đều đảm bảo thông suốt, an toàn.
Riêng cầu tràn Đakrông Km0+307 trên Quốc lộ 15D nước ngập từ 21 - 23h ngày 25/9/2023, chiều sâu ngập 0,5m. Đơn vị quản lý đã dọn dẹp vệ sinh mặt tràn, khai thác bình thường.
Tình hình thiệt hại tuyến Quốc lộ 15D, đất cát lấp mặt tràn Đkrông tại Km0+307 với hoảng 150 m3. Đất, đá sụt ta luy dương tại Km9+500 khoảng 250 m3. Cống bản khẩu độ B=2,4m tại Km5+290 hạ lưu cống sạt lở, nước xói trôi, sâu vào nền đường, tạo hàm ếch.