Ngân sách không thể kham nổi bộ máy cồng kềnh hiện nay

Ngân sách dù cho có thể biến thành “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó có thể bao bọc được nền hành chính cồng kềnh như hiện nay.

20% ngân sách chi cho lương cán bộ, công chức

Sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Long An), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã đến lúc không thể khoan nhượng với tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước đã được Đảng, Nhà nước chủ trương từ nhiều năm nay. Ngân sách Nhà nước như “cái bánh”, chia kiểu nào cũng không đủ. Muốn tăng tỉ lệ chi cho đầu tư phát triển thì chi cho bộ máy hành chính lại thiếu, nên cứ căng kéo mãi. “Cái bánh” ngân sách dù cho có thể biến thành “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó bao bọc được nền hành chính cồng kềnh như hiện nay.

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo các đại biểu Quốc hội, hàng năm, ngân sách bỏ ra 20% chi thường xuyên dành cho quỹ lương. Đội ngũ công chức, viên chức lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả công việc không cao. Đánh giá hiệu quả công việc chưa sát với thực tiễn, mới chỉ dựa trên định tính, còn nể nang và không khoa học. Nhận xét cuối năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và không có sự chuyển biến trong phương thức đánh giá, tiêu chí đánh giá. Do vậy, việc tinh giản biên chế rất khó thực hiện. 

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, còn nhiều đầu mối. Vào cuối năm 2016, có đến 198 đơn vị có tư cách pháp nhân, số đơn vị hành chính trực thuộc tăng từ 418 lên 446 đơn vị, dẫn đến tăng biên chế, tăng số người giữ chức vụ lãnh đạo, tăng tầng nấc trung gian.

Mô hình tổ chức tổng cục, cục, vụ không thống nhất, vẫn duy trì nhiều phòng trong các vụ tham mưu, chưa thực hiện đúng yêu cầu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị.

Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình một cơ quan có 8,1 phòng và tương đương. Tỷ lệ người giữ chức danh lãnh đạo ở một số cơ quan, địa phương cũng ở mức cao, không hợp lý.  

Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh (từ 729.509 người giai đoạn tháng 8/2011 lên 837.657 người tại thời điểm tháng 12/2016, tăng 108.148 người).
 
Việc xây dựng và thực hiện Đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, không theo đúng quy định và chưa đạt mục tiêu đề ra. Tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 khối các cơ quan hành chính là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế (mới đạt 0,83%). Vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là ở các địa phương tăng nhanh (năm 2011 là 1.971.577 người, đến năm 2016 là 2.093.313 người, tăng 121.736 người (5,8%).

Khẩn trương tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, bộ máy hành chính cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhưng các cơ quan hành chính chưa mang lại hiệu quả cao. Hiện chúng ta có hơn 2 triệu cán bộ công chức. Tổng số người hưởng lương từ ngân sách khoảng 8 triệu người, chiếm 8,3% dân số.

Trong khi chính sách tinh giản biên chế trong những năm qua chưa thực sự có hiệu quả. Nguyên nhân là do các Bộ, cơ quan, tổ chức chưa thực hiện nghiêm túc. Vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, gia tăng biên chế trong khi việc cơ cấu lại bộ máy còn chậm, thiếu hệ thống. Đề án vị trí việc làm triển khai chưa hiệu quả.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam),  cần hoàn thiện áp dụng hệ thống chính phủ điện tử. Rà soát vị trí việc làm sát thực tế, để sắp xếp lại. Chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với các đơn vị sử nghiệp để giảm áp lực ngân sách. Giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả. Không nhất thiết bên trên có cơ quan này thì bên dưới cũng phải có tổ chức đó. Tinh giản biên chế cần gắn với từng loại hành chính, bám sát với quy mô dân số, đặc điểm của địa phương. 

Còn theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), cần có lộ trình trong tinh giản biên chế, ví dụ tinh giản cấp phó phải làm ngay. Xây dựng luật nhưng không làm tăng biên chế. Điều chỉnh hợp lý cán bộ thừa, sắp xếp lại. Ví dụ y tế học đường chuyển về các bệnh viện đang thiếu người. Có chế tài xử lý nghiêm các sai phạm trong bổ nhiệm.

Cũng theo Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), cần xử lý nghiêm người đứng đầu chưa đạt mục tiêu tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Hàng năm, Chính phủ cần có báo cáo để làm cơ sở cho Quốc hội giảm sát.

Để tinh giản biên chế, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết, không thể nể nang, trong các báo cáo cần phải chỉ rõ cá nhân, tổ chức nào đã làm không tốt trong việc thực hiện tinh giản biên chế, như vậy mới có cơ sở để tinh giản. Cá nhân, tổ chức nào thực hiện tốt có thể khen thưởng, biểu dương.

H.V/Báo Tin Tức
Tinh giản biên chế: Không nên áp đặt một khung chung cho tất cả địa phương
Tinh giản biên chế: Không nên áp đặt một khung chung cho tất cả địa phương

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN